Vụ án chấn động Argentina xảy ra vào ngày 19/6/1892, khi hai đứa con nhỏ của Francesca Rojas, 27 tuổi bị sát hại tại nhà riêng ở thị trấn Necochea, tây nam tỉnh Buenos Aires.
Mãi tới ngày 8/7/1892, vụ án mới được báo cáo tới Sở cảnh sát trung ương ở La Plata, thủ phủ tỉnh Buenos Aires. Thanh tra Alvarez được Sở cảnh sát trung ương cử tới Necochea để hỗ trợ điều tra sự cố. Khi đến nơi, ông Alvarez nhận thấy, cảnh sát địa phương không có bất kỳ manh mối nào giúp tìm ra hung thủ gây án.
Người mẹ khẳng định không liên quan đến vụ việc. Theo lời khai của Rojas, một người đàn ông hàng xóm có tên Pedro Ramón Velázquez từng đe dọa, tấn công vào cổ cô vì từ chối tình yêu của anh ta vào sáng sớm ngày định mệnh.
Rojas quả quyết, khi trở về nhà vào cuối ngày, cô nhìn thấy Velasquez đang chạy vọt từ bên trong ra ngoài qua cửa mở sẵn. Khi vào bên trong nhà, cô nhìn thấy cậu con trai lớn 6 tuổi và cô con gái 4 tuổi đã chết với nhiều nhát đâm trên cơ thể.
Cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn Velasquez. Song, anh ta kiên quyết phủ nhận giết người, ngay cả khi bị tra tấn. Nhà chức trách thậm chí đã trói nghi phạm cạnh xác của hai đứa trẻ qua đêm, nhưng kết quả thu được vẫn là con số 0. Thêm một tuần bị xét hỏi và chịu cực hình, Velasquez vẫn khẳng định mình vô tội.
Thanh tra Alvarez nhanh chóng xác định Velázquez có bằng chứng ngoại phạm, do anh ta đang đi cùng nhiều người bạn vào thời điểm xảy ra án mạng. Ông cũng nghe thông tin rằng, người yêu hiện tại của Rojas từng tuyên bố sẽ cưới cô nhưng không kèm theo "hai đứa con ăn bám".
Ông Alvarez quyết định khám nghiệm lại hiện trường, dù vụ án đã xảy ra trước đó nhiều ngày. Sau khi sục sạo từng ngóc ngách trong nhà Rojas, ông phát hiện một vết màu nâu trên một cánh cửa phòng ngủ. Sau khi nghiên cứu một cách cẩn thận, vị thanh tra cảnh sát xác định đó chính là một dấu vân tay vấy máu đã bị khô.
Ông Alvarez sau đó đã liên lạc với Juan Vucetich, lãnh đạo phòng nhận diện tội phạm thuộc sở cảnh sát trung ương và cũng là người phát triển một hệ thống nhận diện vân tay tội phạm cho cảnh sát sử dụng.
Theo các chỉ dẫn của ông Vucetich, thanh tra Alvarez đã trích lấy dấu vết in trên cửa gửi về La Plata làm bằng chứng. Kết quả so sánh đối chiếu cho thấy, dấu vết lưu lại trên cánh cửa trùng khớp với một dấu vân tay của mẹ hai nạn nhân.
Khi đối diện với bằng chứng không thể chối cãi, Rojas buộc phải nhận tội. Cô ta thú nhận đã ra tay sát hại chính hai đứa con đẻ của mình để được tự do đến với người tình, xây dựng tổ ấm mới. Người mẹ nhẫn tâm sau đó bị truy tố và kết án chung thân vì tội ác tàn bạo.
Vụ án được coi là một tiền đề quan trọng, chứng minh tính ưu việt của việc nhận dạng bằng vân tay so với phương pháp nhân trắc học Bertillonage, phép đo cơ thể người ở 11 vị trí khác nhau, được cảnh sát sử dụng phổ biến lúc bấy giờ để tìm ra tội phạm.
Rojas trở thành tội phạm đầu tiên trên thế giới bị phát giác thông qua dấu vân tay để lại hiện trường.
Sau vụ việc, Argentina cũng trở thành nước đầu tiên trên thế giới loại bỏ phương pháp Bertillonage và lập hồ sơ tội phạm dựa hoàn toàn vào việc nhận diện vân tay. Hệ thống nhận diện do Vucetich phát triển hiện vẫn được dùng ở nhiều nước Nam Mỹ.
Theo Tuấn Anh/Vietnamnet