|
Đội truyền thông của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Nam Sudan đã ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế trong thời gian làm nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Đảm/BVDC 2.3
|
Nghe giọng tiếng Anh lơ lớ reo vui gọi tên mình giữa đám đông: “Tám, Tám, Tám...". Sự phấn khích của người bạn Nam Sudan với Trung úy Tám cũng là tình cảm nồng nhiệt mà bạn bè quốc tế dành cho những "sứ giả" của quân đội nhân dân Việt Nam sau 7 năm Việt Nam chính thức tham gia lực lượng mũ nồi xanh Liên Hợp Quốc (LHQ).
Việt Nam - hai tiếng tự hào ở Nam Sudan
Là thế hệ thứ 3 trong số 189 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế thuộc 3 bệnh viện dã chiến cấp 2 mà Việt Nam triển khai tại Nam Sudan, Giám đốc, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa chia sẻ: “BVDC 2.3 kế thừa thành tích và kinh nghiệm từ 2 bệnh viện đi trước, có đội hình trẻ nhất, tuổi trung bình chỉ 34, nên tính dám làm dám nghĩ, sáng tạo rất cao. Nhiều kỹ thuật lần đầu tiên được BVDC 2.3 áp dụng hiệu quả, trong đó đáng chú ý nhất là giới thiệu cho bạn bè thế giới nền y học cổ truyền Việt Nam kết hợp vật lý trị liệu hiện đại”.
Với nỗ lực chuẩn bị đầy tâm huyết từ trong nước cho đến thúc đẩy quảng bá không mệt mỏi tại Nam Sudan của vị giám đốc xuất thân là bác sĩ nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, châm cứu đất Việt dần trở nên quen thuộc tại Bentiu. Thật vậy, nhiều bạn bè quốc tế trực tiếp đề nghị châm cứu - vật lý trị liệu khi tìm đến BVDC 2.3 Việt Nam.
Phương pháp điều trị quen thuộc ở Việt Nam đã theo Trung úy Nguyễn Thị Loan đi hàng nghìn kilômét tới Tây bán cầu đã góp phần điều trị thành công cho bạn bè từ khắp các châu lục hội tụ ở Nam Sudan làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, trong đó có cả những lãnh đạo cấp cao LHQ tại phái bộ Nam Sudan, cũng như người dân sở tại.
Đặc biệt, lần đầu tiên BVDC của Việt Nam triển khai kỹ thuật châm cứu ở Nam Sudan điều trị thành công cho 2 sĩ quan Mông Cổ bị liệt mặt do tổn thương dây thần kinh 7 ngoại biên, tài hoa của quân y Việt Nam theo gió thổi khắp Bentiu và vượt xa hàng nghìn kilômét, tới tận thủ đô Juba. Ngày cao điểm, nữ chiến sĩ được bệnh nhân yêu mến gọi là “Magic girl”, “Power girl” làm việc luôn tay, đón tới 6 bệnh nhân dù chỉ có 2 giường bệnh.
|
Từng thành viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Nam Sudan là những sứ giả để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Ảnh: Nguyễn Đảm/BVDC 2.3
|
Ở mảnh đất Châu Phi nắng gió, cô gái Tây Nguyên nồng nhiệt, sôi nổi không chỉ điều trị mà còn mang tới cho người bệnh "liều thuốc tinh thần" qua những cuộc trò chuyện vui vẻ, khiến bệnh nhân thêm phần quý mến Việt Nam. Nữ chiến sĩ 28 tuổi luôn tâm niệm, trải nghiệm trong màu áo gìn giữ hòa bình là “cơ hội đặc biệt chắc chắn sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời”.
Định vị “thương hiệu” lính mũ nồi xanh Việt Nam
Tháng 6.2014, 2 sĩ quan Việt Nam đầu tiên được cử đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ ở Nam Sudan, đánh dấu Việt Nam chính thức tham gia lực lượng mũ nồi xanh LHQ. Bốn năm sau, Việt Nam tổ chức bệnh viện dã chiến đầu tiên - Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) - tham gia gìn giữ hòa bình.
Chặng đường gần 1 thập kỷ những người lính Việt Nam đi thực hiện sứ mệnh vẻ vang mà LHQ giao phó ở nơi cách đất mẹ 1/4 vòng Trái đất có những khó khăn gian khổ mà người hoạt ngôn như Trung úy Nguyễn Văn Tám - ban Bảo đảm cũng không có ngôn từ nào diễn tả hết được. Trung úy 29 tuổi, cựu thành viên BVDC 2.1, một trong những mảnh ghép làm nên thành công của BVDC 2.3, đồng thời ghi dấu ấn không thể quên về bộ đội Cụ Hồ trong lòng người dân Nam Sudan và bạn bè quốc tế.
|
Từng thành viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Nam Sudan là những sứ giả để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Ảnh: Nguyễn Đảm/BVDC 2.3
|
Là tổ trưởng tổ lái xe xông pha ở vùng đất bất ổn này, Trung úy Tám tiếp xúc với rất nhiều mảnh đời ở nơi có những khung cảnh “chắc chắn không thể nào thấy ở Việt Nam”. Sẻ chia với cuộc sống của người dân ở đất nước non trẻ, ngoài thực hiện tốt hoạt động chuyên môn được giao, các sĩ quan mũ nồi xanh BVDC 2.3, trong đó có Trung úy Tám, còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiết thực giúp người dân địa phương. Họ hỗ trợ bàn học, dụng cụ học tập cho học sinh, tặng thuốc men, trang thiết bị y tế... qua đó, tạo ấn tượng đẹp về bộ đội Cụ Hồ, về đất nước và con người Việt Nam. Giờ đây, người dân địa phương thực sự coi lính mũ nồi xanh Việt Nam như người thân.
Không chỉ được người dân địa phương yêu mến, những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam còn để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế ở các đơn vị trong phái bộ LHQ. Trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa, Bộ phận Tác chiến được xem là “trái tim” của BVDC 2.3, là trung tâm thông tin hoạt động 24/7, nơi tương tác đối ngoại nhiều nhất. Vất vả, áp lực là vậy, nhưng ý thức sâu sắc về trọng trách và tầm quan trọng của vị trí “cầu nối” Việt Nam với bạn bè quốc tế mà bản thân đảm đương, Trung úy Nguyễn Huy Khải - nhân viên hành chính ở Bộ phận Tác chiến - luôn nỗ lực thể hiện tác phong chuyên nghiệp, nhằm tương tác hiệu quả, xử lý thông tin nhanh và chính xác nhất. Chàng trai Hà Nội sinh năm 1996 xem khoảng thời gian ở Nam Sudan là cơ hội để học hỏi và trưởng thành, cũng như góp phần giới thiệu Việt Nam đến với đông đảo bạn bè thế giới.
Vững vàng sứ mệnh, tình thương gửi về
63 cán bộ, chiến sĩ mũ nồi xanh thuộc BVDC 2.3 Việt Nam ra tiền tuyến thực hiện sứ mệnh vẻ vang được giao phó theo tinh thần “Tiếng gọi Tổ quốc là đi lên đường/Hạnh phúc riêng cũng phải nhường”. Con gái đầu lòng chào đời ở quê nhà khi Thượng úy Hà Minh Tuấn - thành viên Đội Cấp cứu Đường không - đang trong chuyến chuyển thương đầu tiên ở Nam Sudan. Từ xứ sở xa xôi, giữa những giờ làm nhiệm vụ bận rộn, anh rất nhiều lần hình dung về lần đầu trực tiếp gặp con gái nhỏ sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Sudan. Anh bảo, “dù con khóc hay cười thì cũng hạnh phúc cả bởi khi đó tôi biết con mình khoẻ mạnh”.
Người lính gốc Đà Nẵng tâm sự: “Ở nơi xa, tôi chỉ biết động viên vợ cố gắng và tự nhủ với lòng mình rằng, sau này hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ bù đắp cho vợ con khoảng thời gian mình vắng nhà. Tôi tin là con gái sau này sẽ tự hào nhiều hơn khi bố làm nhiệm vụ đặc biệt này”.
Ở nơi muộn 5 tiếng so với Việt Nam, Thiếu tá Nguyễn Thị Hảo - điều dưỡng hồi sức, khoa Ngoại - Chuyên khoa, tranh thủ thời gian rảnh rỗi gọi điện về xem tình hình 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn ở nhà với người cha già 68 tuổi và người mẹ 65 tuổi của chị.
Theo nghiệp quân y 18 năm, Thiếu tá Hảo luôn nghĩ có thể tự tay chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ. Vậy mà vào cao điểm dịch bệnh ở TPHCM, người cha mắc ung thư đại tràng, người mẹ thường xuyên đau yếu của chị lần lượt mắc COVID-19. Bà mẹ đơn thân sống xa nhà càng thêm lo lắng, nhất là những cuộc gọi không thể diễn ra thường xuyên khi mất kết nối Internet vào thời điểm Bentiu lũ lụt lớn nhất 6 thập kỷ. Giữa những rối bời, được các em ở nhà trấn an, đồng đội san sẻ, nữ Thiếu tá tự nhủ phải vững vàng vượt qua.
|
Từng thành viên của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 Việt Nam tại Nam Sudan là những sứ giả để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Ảnh: Nguyễn Đảm/BVDC 2.3
|
Như Giám đốc, Trung tá Trịnh Mỹ Hòa, tâm sự, điều tâm đắc nhất là tạo dựng được “gia đình 2.3 đúng nghĩa”, cùng vượt qua “những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua”. Bởi lẽ, BVDC 2.3 luôn mang theo tinh thần mà Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, gửi gắm: “Mũ nồi xanh ở trên đầu/ Hòa bình thế giới cùng nhau giữ gìn/Mẹ hiền Tổ quốc vững tin/Lá cờ Tổ quốc trong tim mỗi người/Ánh mắt sáng, nụ cười tươi/Tự hào, kiêu hãnh - ta người Việt Nam”.
Thanh Hóa/Lao Động