Quan điểm rõ ràng, cứng rắn của Việt Nam
Ngày 13/11, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8/11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
|
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. |
Việt Nam mong muốn Trung Quốc cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hai nước, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, có vẻ như thái độ thiện chí của Việt Nam cũng như của nhiều quốc gia trong khu vực có liên quan tới Biển Đông không được Trung Quốc đón nhận.
Ngược lại, trong thời gian gần đây Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các hoạt động tranh chấp truyền thống và phi truyền thống với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông không chỉ trên thực địa mà còn trên nhiều lĩnh vực khác.
Trung Quốc và những mưu đồ, thủ đoạn tinh vi ở Biển Đông
Với thủ đoạn truyền thống, Trung Quốc huy động nhiều đội tàu đánh cá với số lượng lớn, di chuyển ở phạm vi hẹp, có kèm sự bảo vệ của các tàu chấp pháp bao gồm lực lượng tuần duyên và hải cảnh Trung Quốc; tiến thẳng vào vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của các quốc gia khác ở Biển Đông với thái độ cực kỳ hung hăng và liều lĩnh.
Các đội tàu cá này của Trung Quốc thậm chí còn tiến hành đi vào những vùng lãnh hải không tranh chấp của các quốc gia lân cận, sử dụng thủ đoạn "ăn dầm nằm dề" ở vùng biển nước bạn nhằm "biến vùng biển không tranh chấp thành vùng biển tranh chấp, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi khác để "lấn biên giới trên biển".
Ngoài việc tiến hành tranh chấp trên Biển Đông bằng thủ đoạn truyền thống và thái độ cực kỳ hung hăng, liều lĩnh; Trung Quốc còn tiến hành sử dụng nhiều thủ đoạn mới, phi truyền thống để tranh chấp lãnh hải trên biển ở nhiều lĩnh vực khác, ngầm khẳng định cái mà nước này gọi là "đường lưỡi bò" của mình.
Cụ thể, Trung Quốc cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" sai sự thật vào rất nhiều lĩnh vực, trong đó gần đây nhất là các thủ đoạn "cài cắm" đường 9 đoạn vào bản đồ trong những bộ phim hay bản đồ định vị trên xe hơi hoặc điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất.
|
Tàu cá Trung Quốc tranh chấp trên biển bằng các phương thức "bành trướng" truyền thống. |
Với lợi thế là công xưởng của thế giới, Trung Quốc hoàn toàn có điều kiện để "cài cắm" đường lưỡi bò sai sự thật vào rất nhiều mặt hàng khác nhau và sau đó xuất khẩu đi khắp thế giới một cách âm thầm.
Đây là thủ đoạn mới và cực kỳ tinh vi, được Trung Quốc sự dụng như một chiến thuật "mưa dầm thấm lâu" nhằm ngầm khẳng định chủ quyền bịa đặt của mình ở trên biển. Với những người ít hiểu biết, không quan tâm tới tình hình chính trị thế giới - đặc biệt là những người sinh sống, làm việc tại các quốc gia không liên quan tới biển Đông, đây là một thủ đoạn rất nguy hiểm vì sẽ lan truyền kiến thức sai lệch về vùng biển này, gây khó khăn cho các quốc gia lân cận trong các vụ tranh chấp, kiện tụng sẽ diễn ra trong tương lai.
|
Trung Quốc cho đường lưỡi bò xuất hiện trên nhiều sản phẩm của quốc gia này, thậm chí in chìm đường lưỡi bò lên hộ chiếu. |
Để có thể ngăn chặn được sự "bành trướng" bằng nhiều thủ đoạn trên mọi lĩnh vực của Trung Quốc, các quốc gia liên quan cần phải thật đoàn kết, kêu gọi và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của chính quyền Bắc Kinh trên mọi lĩnh vực.
Với bản thân mỗi công dân, phải tự cập nhật, trang bị kiến thức thực tiễn và lý luận cho chính mình, tránh bị "nhiễm độc" thông tin khi vô tình tiếp cận với các luận điệu sai sự thật qua phương tiện truyền thông hoặc qua mạng internet, qua đó có thể bẻ gẫy được âm mưu tuyên truyền âm thầm, nham hiểm của Trung Quốc trên mọi lĩnh vực.
Mời độc giả xem Video: Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc xuất hiện cả trong... giáo trình đại học.
Tuấn Anh