"Cơn địa chấn" ở nước Đức
Hôm 19/11, cuộc đàm phán kéo dài bốn ngày nhằm thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa Đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp và Đảng Xanh chủ trương bảo vệ môi trường đã thất bại khi FDP tuyên bố rút lui khỏi cuộc đàm phán.
Mặc dù đã gần đạt thỏa thuận về các điểm chính trong cuộc đám phán hôm 19/11 nhưng các chính đảng vẫn bất đồng quan điểm về nhiều vấn đề, đặc biệt là chính sách cho người nhập cư và môi trường. CDU/CSU muốn tăng tiếp nhận 200.000 người/1 năm nhưng đề nghị này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đảng Xanh.
|
Lãnh đạo đảng FDP Christian Lindner. Ảnh: Getty Images. |
Theo lãnh đạo FDP Christian Lindner, các chính đảng tham gia đàm phán đã không tìm được cơ sở tin tưởng hay một ý tưởng chung cho việc hiện đại hóa đất nước.
"Chúng tôi chẳng thà không nắm quyền còn hơn lãnh đạo mà điều hành đất nước một cách tệ hại", Christian Lindner, lãnh đạo đảng FDP, phát biểu.
Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thoả thuận hình thành một chính phủ liên minh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị nước này, khiến bà Angela Merkel đối diện với thách thức chính trị lớn nhất sau 12 năm cầm quyền và có thể đẩy quốc gia đầu tàu Châu Âu này rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị không lối thoát.
Thủ tướng Angela Merkel sẽ từ chức?
Sau khi cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh mới thất bại, Thủ tướng Angela Merkel đã bày tỏ sự tiếc nuối và thông báo với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier về kết quả không như ý này.
Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng chính trị ở nước Đức hiện nay có thể sẽ chấm dứt “thời đại” của bà Merkel.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng trước thách thức lớn trong nhiệm kỳ thứ tư. Ảnh: Getty Images. |
Tuy nhiên, đứng trước khó khăn trước mắt, Thủ tướng Merkel vẫn cam kết sẽ làm mọi thứ để đảm bảo nước Đức vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đồng thời khẳng định bà không có ý định từ chức.
Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, bà Merkel cho biết không thấy có bất cứ lý do gì để từ chức, đồng thời khẳng định bà sẵn sằng tiếp tục đảm nhận cương vị thủ tướng thêm 4 năm nữa.
“Bất cứ yêu cầu nào muốn tôi từ chức vào thời điểm này đều không phải là cách tốt để bắt đầu một liên minh mới”, bà Merkel khẳng định và nhấn mạnh muốn tiến hành một cuộc bầu cử mới hơn là lãnh đạo một chính phủ thiểu số.
Tương lai nào cho nước Đức?
Trong tình thế hiện nay, Thủ tướng Đức Angela Markel đứng trước hai lựa chọn: Một là “bắt tay” với Đảng Xanh thành lập chính phủ thiểu số. Hai là tổ chức tổng tuyển cử mới.
Tuy nhiên, việc liên minh với Đảng Xanh có thể giúp Thủ tướng Merkel vẫn có thể nắm quyền trong chính phủ thiểu số nhưng điều này sẽ khiến bà gặp nhiều thách thức trong việc dẫn dắt nền kinh tế đầu tàu Châu Âu.
Trong khi đó, tổ chức tổng tuyển cử mới có thể giúp củng cố vị thế của Đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” (AfD). Đây không phải là điều mà Thủ tướng Merkel mong muốn, bởi đảng này công khai cổ súy chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chống nhập cư.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh ở Đức thất bại (Nguồn: RT)
Trước đó, trong cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức khóa 2017-2021 vào tháng 9/2017, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giành "thắng lợi đắng cay" khi liên đảng CDU/CSU của bà chỉ chiếm 246 trên tổng số 631 ghế trong Hạ viện Đức. Đảng Dân chủ Xã hội (SDP) giành được 153 ghế nhưng tuyên bố không liên minh với CDU/CSU trong khi Đảng cực hữu AfD chiếm tới 94 ghế, đứng ở vị trí thứ ba.
Có thể nói, “chiến thắng thất vọng” này như điềm báo trước những khó khăn, thách thức mà bà Merkel sẽ phải đối mặt trong việc đàm phán thành lập chính phủ liên minh cầm quyền.
Thiên An (T.H)