Tân Hoa Xã đưa tin, Trung tâm Thông tin và Giáo dục Y tế thuộc Bộ Y tế Lào hồi tháng 6/2021 cho biết, Bộ Y tế Lào và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cho phép tiêm vắc xin Sinopharm cho công dân trên 60 tuổi và những người mắc bệnh nền.
Trước đó, Lào đã tiêm vắc xin Sinopharm cho lực lượng biên phòng, nhân viên y tế và một số người thuộc nhóm nguy cơ cao.
|
Vắc xin Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: Reuters. |
Tính đến tháng 6/2021, hơn 700.000 người tại Lào đã được tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19 trong khi hơn 400.00 người đã được tiêm đủ hai mũi.
Bộ Y tế Lào có kế hoạch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 50% trong tổng số 7,2 triệu dân nước này vào cuối năm nay.
Mời độc giả xem thêm video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới (Nguồn video: THĐT)
Vào ngày 7/5/2021, vắc xin Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), trở thành vắc xin thứ 6 trên thế giới được xét vào danh sách này. Đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được lọt vào danh sách EUL của WHO.
Vắc xin Sinopharm được sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm CNBG (Trung Quốc).
Một nghiên cứu được thực hiện ở Argentina đã chỉ ra rằng vắc xin Sinopharm của Trung Quốc có hiệu quả tới 84% trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19 đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Đối với người mới tiêm một mũi, vắc xin Sinopharm có hiệu quả 61,6% trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, nghiên cứu của trường Đại học Sri Jayewardenepura ở Sri Lanka được công bố hồi tháng 7/2021 cho thấy, vắc xin Sinopharm của Trung Quốc có hiệu quả cao trong việc bảo vệ người được tiêm chủng chống lại biến thể Delta.
An An