Kỳ nghỉ đông năm nay, lần đầu tiên học sinh trên khắp Trung Quốc thực sự được nghỉ ngơi và tận hưởng khoảng thời gian vui vẻ, không còn áp lực bài vở.
Theo đó, từ đầu tháng 7/2021, chính phủ nước này thực hiện chính sách "giảm kép" nhằm hạn chế áp lực bài vở ở trường học và dạy thêm ngoài trường, Tân Hoa Xã đưa tin.
|
Kỳ nghỉ đông năm nay, học sinh ở Trung Quốc không còn khổ sở vì núi bài tập về nhà và các lớp học thêm.
|
Kỳ nghỉ không bài tập
Không còn bài tập trong kỳ nghỉ, Chang Xinyue (12 tuổi), học sinh đến từ tỉnh Sơn Tây, nói rằng: "Đây là kỳ nghỉ đông dễ chịu nhất kể từ khi cháu bước vào tiểu học".
Kế hoạch nghỉ lễ năm nay của Xinyue không có lớp dạy kèm hay cả núi bài tập về nhà như trước đây. Thay vào đó, cô bé 12 tuổi có nhiều thời gian hơn dành cho sở thích của mình.
Lịch nghỉ đông của Xinyue bao gồm 3 tiếng tự học mỗi ngày, chơi cờ vây, đọc sách và tập thể dục.
"Con bé từng mệt đến kiệt sức sau một ngày học ở trường rồi phải dự lớp học thêm, giờ nó chắc chắn có nhiều động lực hơn", mẹ của nữ sinh lớp 6 chia sẻ trong sự tự hào.
Trong hơn 10 năm, cảnh tương tự đã diễn ra ở mỗi gia đình Trung Quốc có con đang tuổi đi học: mỗi kỳ nghỉ, các em nhỏ quá tải với các lớp học thêm, còn cha mẹ hoặc ông bà cũng bận rộn đưa đón trẻ từ trung tâm này đến lớp luyện thi nọ.
Trước đây, kỳ nghỉ lễ được xem là "cơ hội vàng" để các em học các kỹ năng đã bỏ lỡ và trau dồi để chuẩn bị cho kỳ học tiếp theo.
|
Trước đây, kỳ nghỉ lễ được xem là dịp để học sinh học thêm, bù đắp thiếu sót của bản thân.
|
Chính sách "giảm kép" được đưa ra vào thời điểm cả phụ huynh lẫn học sinh đang cảm thấy căng thẳng với khối lượng học tập quá mức bên ngoài trường học.
Động thái này giúp cả hai bên đều nhẹ nhõm hơn khi đưa việc học tập trở lại đúng trọng tâm trong trường, giải phóng học sinh khỏi cuộc chạy đua khốc liệt, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển chung.
Các nhà chức trách về giáo dục ở Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của họ vào đầu tháng 1, ngay trước kỳ nghỉ đông, để đảm bảo chính sách trên được thực hiện nghiêm túc.
Thay vì mắc kẹt trong những cuốn sách giáo khoa và khóa học, giờ đây các em nhỏ được khuyến khích bước ra ngoài nhiều hơn, tích cực vui chơi và dành nhiều thời gian để rèn luyện thể chất lẫn tinh thần.
Xu Haoxin, một học sinh lớp 2 đến từ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đang trong tâm thế háo hức mong chờ Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 sắp tới.
"Cháu sẽ tìm hiểu trước về Thế vận hội mùa đông và theo dõi các trận đấu cùng bố mẹ. Cháu cũng thích kiểm đếm số huy chương", Haoxin nói.
Trong khi đó, Li Siqi, học sinh lớp 3 đến từ thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, đang dành phần lớn thời gian để đọc sách và rèn luyện sức khỏe.
"Thằng bé rất thích bơi lội và đá bóng. Vì con có hứng thú nên chúng tôi sẽ cố gắng để cho nó một tuổi thơ thật hạnh phúc", mẹ của Siqi bày tỏ.
Học sinh được giải phóng
Bai Xiaojing, một phụ huynh khác đến từ Lan Châu, cho biết từng cố nhồi nhét con mình vào các khóa đào tạo trong mỗi kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, điều này không giúp ích cho kết quả học tập mà chỉ khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên căng thẳng.
"Chính sách mới cũng khiến những bậc cha mẹ như chúng tôi phải suy ngẫm và đánh giá lại kiểu giáo dục nào là phù hợp và tốt cho con", Bai nói.
|
Chính sách "giảm kép" nhằm hướng tới giải phóng học sinh khỏi áp lực học hành, được phát triển toàn diện.
|
Các nhà tâm lý học cho rằng chính sách "giảm kép" rất có ích đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của thế hệ trẻ.
Ông Tian Feng, thuộc Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Trung Quốc, cho biết: "Mối quan hệ gắn bó sớm là rất quan trọng trong việc xây dựng tình cảm giữa trẻ và người chăm sóc, giúp trẻ phát triển một cách lành mạnh và biết thích ứng".
"Kỳ nghỉ đông theo chính sách mới tạo cơ hội cho cha mẹ quan sát, thấu hiểu và giao tiếp với con cái. Nếu mối quan hệ gắn bó không sớm được thiết lập, các vấn đề tâm lý như bốc đồng, lo lắng và trầm cảm có thể dễ xảy ra ở lứa tuổi vị thành niên".
Sau khi thực hiện chính sách mới, các cơ sở đào tạo ngoài trường học đã giảm 83,8% và các cơ sở đào tạo trực tuyến cũng giảm 84,1%.
Quy định cấm dạy thêm từ chính phủ đã khiến nhiều công ty đào tạo ở Trung Quốc phải giải thể. New Oriental Education, công ty dạy thêm lớn nhất nước này, đã đồng loạt sa thải 60.000 nhân viên sau khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát với ngành công nghiệp giáo dục tư nhân.
Hồi tháng 11/2021, TAL Education - một gã khổng lồ giáo dục khác của Trung Quốc - cũng tuyên bố sẽ chuyển từ giảng dạy những môn học chính từ mẫu giáo đến lớp 9 sang các môn học như âm nhạc và thể thao.
Theo Đinh Phạm/Zing