Những tờ tiền cũ đã bị sờn rách thường sẽ khó sử dụng hoặc sẽ được nhà nước thu hồi thông qua các chi tiêu tại những cơ sở kinh doanh quốc doanh. Tuy nhiên, tại Zimbabwe, việc sửa vá những tờ tiền USD cũ còn được coi là một nghề.
Anh Cuthbert Gudza, người hành nghề vá tiền cũ, giơ tờ 2 USD lên nhìn, đánh giá vết rách và cẩn thận bôi keo, phơi khô dưới nắng và tuyên bố nó lại như mới. Nghề vá tiền cũ ra đời trong bối cảnh người dân Zimbabwe tìm mọi cách để sống sót qua khủng hoảng tài chính, lạm phát gia tăng.
|
Anh Gudza vá tờ USD rách ở thị trấn Kuwadzana, Zimbabwe. Ảnh: Reuters. |
Anh Cuthbert Gudza nói: "Trước tôi chỉ bán khoai tây nhưng tôi thấy việc mua những tờ USD rách nát là một cơ hội kinh doanh khác. Những tờ tiền này bị từ chối trong siêu thị nhưng tôi đã làm mới chúng để bán lại".
Người dân địa phương phải sử dụng USD cho giao dịch hàng ngày kể từ khi đồng dollar Zimbabwe bị mất giá vào năm 2009 do lạm phát. Các đồng USD rách được tận dụng khi nguồn cung tiền rất giới hạn.
Tiền rách thường bị siêu thị và những nơi kinh doanh tiền tệ chính thống từ chối. Chúng được đưa tới những người như anh Gudza, thợ buôn tiền chợ đen, tại một trung tâm mua sắm nhộn nhịp ở thị trấn Kuwadzana, cách trung tâm thủ đô Harare khoảng 15 km về phía Tây.
|
Tiền cũ được đem đi phơi nắng sau khi "tút tát" xong. |
Theo anh Cuthbert Gudza: "Các ngân hàng sẵn sàng nhận những tờ tiền bẩn và rách này. Tuy nhiên, họ thu mua theo một tỷ lệ nhất định, các ngân hàng chỉ muốn những tờ tiền có số serie rõ ràng và vẫn còn nguyên vẹn. Khi một người mang tiền cũ đến đổi, tôi trả 600 dollar Zimbabwe cho mỗi USD. Sau đó, tôi sẽ sửa lại và bán nó với giá 800 dollar Zimbabwe. Những người khác không muốn nhận tiền nên tôi trả họ bằng chuối, cam, táo hoặc khoai tây. Tôi kiếm được ít nhất 20 đến 30 xu cho mỗi đồng USD được sửa mới".
Các ngân hàng Zimbabwe vẫn chấp nhận đổi tiền cũ rách nên người dân có thể mang tiền đến đây, nhưng người dân đã quá mất niềm tin vào hệ thống tài chính nước nhà sau khi họ bị đóng băng các khoản tiết kiệm do siêu lạm phát. Vì vậy, họ cảm thấy giao dịch với người buôn tiền ở chợ đen còn đáng tin hơn ngân hàng.
Trước tình trạng này, Ngân hàng trung ương Zimbabwe đã đưa ra nhiều khuyến cáo yêu cầu người dân tận dụng các kênh chính thức để đổi tiền cũ, đồng thời đảm bảo rằng Ngân hàng trung ương vẫn sẵn sàng đổi tiền mới cho người dân.
Thảo Nguyên (Theo Reuters)