Hầu hết cư dân đô thị không biết có những dòng sông từng tồn tại nhưng nay đã bị vùi lấp do đô thị hóa. Và nhiều thành phố có những dòng sông bị lãng quên "nằm im" dưới lòng đất hơn một thế kỷ.
Sông Bièvre từng chảy qua tả ngạn thủ đô Paris (Pháp), nhập vào đoạn sông Seine gần ga Austerlitz. Vào những năm 1800, nhà văn Victor Hugo mô tả con sông này như một ốc đảo đô thị mang đến sự trong lành. Nhưng theo thời gian, các thợ làm da, thợ đóng giày kéo đến Bièvre. Đến giữa thế kỷ 19, sông Bièvre đã trở thành mối nguy hại cho sức khỏe. Quá trình biến đổi thành phố do Nam tước Georges-Eugène Haussmann thực hiện đã khiến con sông dần dần bị chôn vùi dưới lòng đất, cho tới khi nó hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ Paris vào năm 1912.
Kể từ đó, một số nỗ lực nhằm hồi sinh sông Bièvre đã thất bại. Cho đến năm 2020, hội đồng thành phố Paris đã công bố ý định khôi phục tuyến đường thủy bị lãng quên nhằm mang thiên nhiên trở lại thành phố. Dòng sông có thể giảm thiểu hiệu ứng nhiệt độ ở đô thị bằng cách hấp thụ nhiệt và giúp ngăn ngừa lũ lụt. Sau khi thị trưởng Anne Hidalgo tái đắc cử vào năm 2020, ông Dan Lert - Phó thị trưởng phụ trách khí hậu, nước và năng lượng cho biết: “Sự hồi sinh của sông Bièvre không còn là một giả thuyết phi thực tế nữa. Paris cần một không gian trong lành và xanh hơn”.
Bièvre không phải là dòng sông trong đô thị duy nhất trải qua thời kỳ phục hồi. Trên khắp thế giới, quá trình làm sống lại những dòng sông bị lãng quên đang diễn ra một cách từ từ nhiều năm và thu được kết quả. Năm 2014, thành phố Auckland (New Zealand) đã hồi sinh con sông Fairburn và Parahiku. Thành phố Sheffield (Anh) đã tái sinh con sông nhỏ Porter Brook vào năm 2016. Trong 1 thập kỷ qua, thành phố Yonkers (Mỹ) đã phát hiện ra dòng sông Saw Mill bị chôn vùi từ những năm 1920.Madrid (Tây Ban Nha), Manchester (Anh) và New York (Mỹ) cũng đang xem xét các dự án phục hồi tương tự.
Hầu hết các con sông đô thị này đã bị vùi lấp trong quá trình đô thị hóa của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Khi chất lượng nước suy giảm, chúng dần dần bị biến thành các cống ngầm và đôi khi trở thành cống thoát nước, giúp ngăn lũ lụt.
Adam Broadhead - nhà khoa học của Công ty phát triển bền vững Arup, người đã nghiên cứu các dự án dự án tái sinh sông ngòi toàn cầu, khẳng định:“Chôn lấp các dòng sông dưới lòng đất cuối cùng không phải là một giải pháp vì chúng vẫn ở đó. Chúng ta phải chung sống với chúng. Khi nói đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai, cách tiếp cận bền vững nhất là suy nghĩ xem liệu chúng ta có thể chung sống với các dòng sông như những dòng chảy một lần nữa hay không. Và tôi cho rằng, khi đã suy nghĩ cẩn thận, câu trả lời là chúng ta có thể. Bạn có thể thấy nhiều ví dụ cho điều này”.
Khi các đợt mưa lớn trở nên phổ biến hơn, các thành phố ngày càng dễ bị lũ quét. Các cống ở thành phố Sheffield đã bị sập trong những năm gần đây. Việc đưa dòng chảy Porter Brook trở lại là con sông bình thường như trước được coi là phương án phòng chống lũ lụt.
Thành phốZurich (Thụy Sĩ) đã hồi sinh các con sống từ cuối những năm 1980. Cho đến ngày nay, Zurich đã đưa khoảng 15 km của sông Limmat, Glatt trở lại như trước đây, chảy qua thành phố và đổ vào hồ Zurich.
Một trong những dòng sông đô thị được phục hồi hiệu quả và nổi bật nhất là Cheonggyecheon ở Seoul (Hàn Quốc). Dòng chảy tái sinh vào năm 2005 và được ghi nhận là đã làm sống lại cả một khu phố. Sông Cheonggyecheon và khu vực xung quanh đã được chuyển đổi thành một công viên công cộng, nơi người dân tụ tập để đi dạo, dã ngoại hoặc uống nước sau giờ làm việc.
Theo Ngọc Huyền/Em đẹp