Kể từ khi nhậm chức cách đây hai năm, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên đã chủ trương xây dựng hàng loạt công trình to lớn, chủ yếu lấy vốn từ các quỹ hỗ trợ của Trung Quốc và Nga - đồng minh thân cận hồi Chiến tranh Lạnh.
Theo các hình ảnh vệ tinh hay các bức ảnh do khách du lịch tới Triều Tiên cung cấp, hoạt động xây dựng của quốc gia Đông Bắc Á diễn ra khá nhộn nhịp, chứ không đơn thuần chỉ bao gồm khu nghỉ mát trượt tuyết, công viên giải trí hay các tòa nhà chung cư mà cánh báo chí đưa tin.
Tập trung vào phát triển kinh tế là một thay đổi lớn trong chính sách lãnh đạo của ông Kim. Còn nhớ, chính sách đề cao quân sự của cố Chủ tịch Kim Jong-il đã khiến người dân nước này lâm vào nạn đói trong những năm 1990. Trong giai đoạn này, cộng đồng quốc tế nhìn nhận Triều Tiên là một trong những nước nghèo nhất thế giới, chịu sự trừng phạt của Liên Hiệp Quốc do nước này theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
“Ông Kim Jong-un hiểu được rằng, phát triển kinh tế trong thời điểm này mang tính cấp bách hơn so với việc tập trung vào vũ khí hạt nhân”, Park Sang-kwon, Giám đốc điều hành công ty Pyeonghwa Motors, một liên doanh ô tô có trụ sở ở Triều Tiên, cho biết.
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ưu tiên phát triển kinh tế
|
Tuy nhiên, ông Kim Jong-un còn có một chương trình chi tiêu ngân sách không được rõ ràng. Một vài dự án không được hạch toán trong ngân sách chính phủ cũng được giải ngân. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về việc ông Kim sẽ chi trả các khoản chi trên ra sao khi nền kinh tế của Triều Tiên chỉ bằng 1/40 so với Hàn Quốc.
Nhưng, nhờ những năm tháng theo đuổi chính sách “đề cao quân sự” với mục tiêu chính là tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang, do vậy ông Kim có thể điều động 1,2 triệu binh sĩ để tham gia thực hiện các dự án trên. Vì thế, hình ảnh những người lính kiêm thợ xây xuất hiện ở công trường xây dựng chung cư là hết sức phổ biến. Mặt khác, các mảnh đất đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước nên ông Kim cũng sẽ tiết kiệm một khoản chi phí lớn trong khát vọng hiện thực hóa các kế hoạch này.
Giờ đây, cây cầu treo bắc ngang con sông Áp Lục kéo dài 1km, nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với thành phố Sinuiju của Triều Tiên, trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch, giúp hoạt động thông thương giữa hai nước thêm thuận lợi hơn. Trước đó, hồi tháng 9, tuyến đường sắt dài 54 km, bắt đầu từ thị trấn biên giới phía đông Khasan và kết thúc ở cảng Rajin ở Triều Tiên, cũng đã được mở lại. Còn hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, đường cao tốc dọc bờ biển phía tây của Triều Tiên, nối Hamhung tới một khu vực du lịch ở thành phố cảng Wosan, đang được xây dựng.
Thêm vào đó, các khách du lịch tới Bình Nhưỡng tiết lộ rằng, các ngôi làng và thị trấn ở Triều Tiên cũng đang “thay da, đổi thịt”. “Ngoài các dự án đang thi công ở Bình Nhưỡng, các tòa nhà mới cũng xuất hiện ở vùng nông thôn mặc dù quy mô nhỏ hơn so với ở thủ đô”, một nhà ngoại giao vừa mới tới Triều Tiên tiết lộ.
Thanh Nga (Theo Reuters)