Hãng thông tấn Reuters dẫn báo cáo một ủy ban điều tra mới được Bộ Thống nhất Hàn Quốc thành lập cho hay, không có bằng chứng tiền lương của các lao động Triều Tiên làm việc tại các công ty Hàn Quốc ở khu công nghiệp (KCN) Kaesong bị chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng cho các chương trình phát triển vũ khí của nước này.
Báo cáo do Ủy ban điều trên tiến hành đã đảo ngược luận điểm trước đó của Chính phủ Hàn Quốc cho rằng, hầu hết số tiền mà các công ty nước này trả cho người lao động Triều Tiên làm việc tại khu công nghiệp liên Triều đã được chuyển hướng sang chương trình chế tạo tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
|
Đoàn xe kéo dài của các công ty Hàn Quốc "tháo chạy" khỏi KCN Kaesong đầu năm 2016, sau khi có thông tin nơi này bị đóng cửa. Ảnh: VOA. |
Ở thời điểm đó tức vào đầu năm 2016, chính quyền Seoul đã yêu cầu Bình Nhưỡng bồi thường thiệt hại cho những cáo buộc trên và tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp Kaesong nhằm đáp trả việc Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa vào năm ngoái.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2017, hai tháng sau khi Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đắc cử, một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho hay, không có bằng chứng cụ thể nào để đưa ra khẳng định trên.
Theo ước tính, khoảng 120 công ty Hàn Quốc đã trả 140USD, gấp đôi khoản lương tối thiểu 70 USD/tháng ở Triều Tiên, cho 55.000 công nhân Triều Tiên làm việc tại Kaesong. Dự án này xuất phát từ hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra vào năm 2000, khi lãnh đạo hai nước cam kết hợp tác và hòa giải.
Trước khi khu công nghiệp Kaesong bị đóng cửa vào năm ngoái, đây là biểu tượng còn lại cuối cùng của việc nối lại tình hữu nghị liên Triều trong bối cảnh quan hệ lạnh giá xuyên biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Cũng theo Ủy ban điều tra của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tuyên bố đóng cửa KCN Kaesong là quyết định đơn phương "bằng miệng"của Tổng thống Hàn Quốc bị phế truất Park Geun-hye một ngày sau khi Triều Tiên thử tên lửa, càng đáng nói hơn là quyết định trên không được đưa ra thảo luận cụ thể trong nội các Hàn Quốc khi đó.
|
Truyền thông Hàn Quốc đang đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye có phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại của nước này tại KCN Kaesong. Ảnh: Yonhap. |
"Văn phòng Tổng thống đã gài những tranh luận về vấn đề lương như là lý do chứ không có thông tin rõ ràng, bằng chứng cụ thể và hỏi ý kiến các cơ quan liên quan. Ngoài ra, kết luận được đưa ra chủ yếu dựa vào lời chứng của những người đảo tẩu, vốn thiếu khách quan và đáng tin", Kim Jong-soo, người đứng đầu ban chuyên gia tuyên bố trước các phóng viên.
Cũng theo ông Kim, sự cố trên có thể làm suy yếu và hạn chế tính hợp pháp các quyết định của Tổng thống Hàn Quốc đối với các vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, bên cạnh đó nó cũng tác động mạnh đến lợi ích của các công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào khu công nghiệp Kaesong khi phải"tháo chạy" khỏi nơi này.
Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện một nhóm các công ty Hàn Quốc sở hữu các nhà máy ở Kaesong yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ chính phủ nước này.
Mời độc giả xem video: Thủ tướng Hàn Quốc lên nắm quyền thay Tổng thống Park Geun-hye sau khi bị phế truất. (Nguồn VTC14)
Sự cố ở khu công nghiệp Kaesong là bê bối mới nhất của cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sau khi bà này bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất vào tháng 12/2016 với các cáo buộc để pháp sư bạn thân Choi Soon Sil can thiệp nội chính, đồng thời gây sức ép để buộc các tập đoàn đóng góp tiền cho hai quỹ chính trị của bà. Cả hai đều đã bị truy tố bởi cơ quan công tố.
Cuộc khủng hoảng bùng phát vào tháng 10/2016, sau khi giới truyền thông Hàn Quốc phanh phui những hành động lạm quyền, cưỡng ép doanh nghiệp đưa tiền và nhận hối lộ của bà Choi Soon Sil. Bà Choi là bạn thân của bà Park Geun Hye, có ảnh hưởng đến các quyết định của tổng thống dù không nắm bất cứ vai trò chính thức nào trong chính phủ Hàn Quốc.
Hiện tại phía Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố nào về câu hỏi liệu bạn thân Choi Soon Sil của cựu Tổng thống Hàn Quốc có dính liếu tới quyết định đóng cửa khu công nghiệp Kaesong hay không.
Trà Khánh