Tạp chí Business Insider của Mỹ, mới đây cho đăng tải bài phân tích cẩm nang phòng tránh gián điệp công nghệ cao do Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) biên soạn cho công dân nước này, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa trực tiếp hay gián tiếp từ các thiết bị gián điệp công nghệ có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Theo FBI, mọi thiết bị điện tử có kết nối internet xung quanh chúng ta đều có thể bị gián điệp lợi dụng và biến chúng trở thành thiết bị theo dõi người dùng. Phía FBI cũng khẳng định, không có gì chắc chắn rằng bạn không phải là một nạn nhân của gián điệp thời công nghệ cao và cũng không hề đơn giản nếu muốn kiểm tra xem mình có đang bị theo dõi hay không. Tuy nhiên, cũng có một vài cách thức dễ thực hiện để giảm thiểu khả năng bị theo dõi bởi gián điệp công nghệ cao hay đơn giản là tránh bị tin tặc tấn công đòi tiền chuộc.
|
Ảnh: BI.
|
Hạn chế công nghệ Trung Quốc
Trung Quốc ngày nay đã sản xuất được gần như mọi thứ, họ có mạng xã hội riêng giống Facebook, có công cụ tìm kiếm riêng giống Google, có điện thoại di động mang nhãn hiệu Trung Quốc, tivi, máy tính, laptop, thậm chí là cả xe hơi với thiết bị định vị toàn cầu được gắn sẵn. Với hệ sinh thái cực kỳ rộng lớn này, các doanh nghiệp của Trung Quốc hoàn toàn có thể thu thập được thông tin của người dùng một cách đơn giản.
Với hệ thống camera, microphone và các tài khoản kể cả tài khoản ngân hàng được đăng nhập vào các thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc này, nhà sản xuất có thể thu thập thông tin và mật khẩu truy cập của người sử dụng bất cứ lúc nào.
|
Lầu Năm Góc. Ảnh: Fly.
|
Gần đây, dưới sự cố vấn của NSA và FBI, chính phủ Mỹ đã cấm mọi thiết bị điện tử bao gồm điện thoại, máy tính bảng và máy tính cá nhân có nguồn gốc của Trung Quốc hoạt động bên trong Lầu Năm Góc. Các loại điện thoại được Mỹ chỉ đích danh là Huawei (Hoa Vĩ) và ZTE của Trung Quốc được cho là có nguy hiểm cho thông tin "của người sử dụng và của những người xung quanh".
Và nếu như Lầu Năm Góc đã cho rằng các loại điện thoại của Trung Quốc là nguy hiểm thì chắc chắn phải có căn cứ để họ đưa ra một quy định cấm chưa từng có trong lịch sử như vậy.
Hạn chế mang công nghệ tới Trung Quốc
Không những không nên sử dụng công nghệ của Trung Quốc, công dân Mỹ cũng được khuyến cáo hạn chế mang công nghệ từ nước ngoài vào Trung Quốc.
Bonnie Glaser, Giám đốc của một dự án nghiên cứu về gián điệp và an ninh mạng thuộc cho chính phủ Mỹ đã cho Business Insider một lời khuyên về việc không nên mang các thiết bị điện tử như điện thoại di động hay máy tính xách tay tới Trung Quốc, đặc biệt là các thiết bị có chứa thông tin nhạy cảm và nhất là khi bạn là một nhân vật nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó.
|
Ảnh: Chinadefense.
|
Glaser cho biết tin tặc Trung Quốc rất cực đoan và cực kỳ manh động, họ có thể lẻn vào phòng bạn khi bạn ra ngoài, cài đặt phần mềm theo dõi hoặc lấy cắp thông tin từ máy tính cá nhân của bạn mà bạn không hề hay biết. Rất nhiều khách du lịch phương Tây đã phàn nàn và có bằng chứng về việc phòng của họ bị lục lọi khi họ đi ra ngoài. Hậu quả chưa biết sẽ lớn đến nhường nào nếu bạn để các thông tin liên quan tới an ninh quốc gia trong phòng khách sạn của mình.
Không an toàn ở bất cứ đâu
Business Insider cho biết, trong những năm gần đây số lượng gián điệp mạng, gián điệp kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài đang ngày càng tăng nhưng số lượng những đường dây gián điệp Trung Quốc bị phát hiện lại gần như là con số 0. Điều này cho thấy mối nguy hiểm về bảo mật thông tin ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Năm 2014, phía FBI còn từng đưa ra cáo buộc nghi ngờ gián điệp Trung Quốc đã lấy trộm được nhiều tài liệu liên quan tới quá trình nghiên cứu và phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 loại F-35 của Mỹ. Ngoài chiếc F-35, khoảng 32 dự án quân sự khác của Mỹ cũng được coi là "bị lộ thông tin" bởi tình báo các nước trên thế giới mà trong đó đặc biệt là hai nước Nga và Trung Quốc.
Dù không đưa ra được bằng chứng cáo buộc xác đáng tuy nhiên việc cơ sở dữ liệu liên quan tới các dự án F-22, F-35 và C-17 bị bại lộ, phía Mỹ cho rằng chỉ Bắc Kinh mới là quốc gia được lợi nhất với thông tin này và cho dù ai là kẻ đánh cắp, các thông tin này sẽ bằng nhiều cách, không sớm thì muộn rơi vào tay Trung Quốc.
Không an toàn với bất cứ ai
Mặc dù Mỹ có nhiều cáo buộc về việc các thiết bị điện tử và phần mềm của Trung Quốc được sử dụng cho việc theo dõi người dùng, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng việc thiết bị thông minh theo dõi thói quen của người dùng là điều bắt buộc với mọi hãng sản xuất thiết bị di động, thậm chí cả Apple hay Samsung cũng làm điều tương tự.
Tất nhiên, Facebook và Google của Mỹ cũng thu thập thông tin của người dùng "quá đáng" đến nỗi phải ra tòa điều trần; phần mềm Google Maps của Google cũng theo dõi từng bước đi của người dùng để đánh dấu thói quen di chuyển của khách hàng, các thiết bị định vị toàn cầu được gắn trên xe hơi ngày nay gần như đều sử dụng Google Maps làm nền tảng và phần lớn các máy tính cá nhân trên thế giới đều sử dụng hệ điều hành Window của Microsoft và Microsoft Word cũng của hãng này để soạn thảo các hợp đồng tỷ USD hay thiết kế những công nghệ bí mật... Điều này dẫn tới việc các thông tin của người sử dụng có thể bị các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ sử dụng để chống lại người dùng bất cứ lúc nào.
Chính vì lẽ đó, bản thân chính phủ Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới cũng không chắc chắn về sự bảo mật thông tin của mình trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay chứ không nói là người dùng cá nhân. Và cách tốt nhất để không bị theo dõi và lộ thông tin qua internet đó là tự... "ngắt kết nối" chính bản thân mình với internet như cách các phòng thí nghiệm, các cơ quan nghiên cứu khoa học tối mật vẫn đang thực hiện đó là sử dụng máy tính không nối mạng, tài liệu được lưu ở ổ cứng tháo rời, các thiết bị điện tử cá nhân bị cấm tuyệt đối và mọi máy tính được sử dụng để nghiên cứu đều bị chặn kết nối với internet.
Mời độc giả xem Video: Tin tặc Mũ trắng của Trung Quốc vô địch cuộc thi tin tặc thế giới năm 2016.
Tuấn Anh