Theo Feidian Video, Tian vừa kết thúc 3 tháng thử việc tại một bệnh viện răng hàm mặt. Cô bị chấm dứt hợp đồng lao động với lý do “quá béo” không mặc vừa đồng phục theo quy định. Trong khi đó, một đồng nghiệp nam được giữ lại dù cũng có thân hình ngoại cỡ.
Trong bài viết, người phụ nữ đính kèm đoạn ghi âm cô nói chuyện với nhân viên không rõ danh tính tại bệnh viện.
“Có đúng là tôi bị đuổi việc vì vấn đề liên quan đến ngoại hình và đồng phục không? Tôi đã béo suốt nhiều năm, song đây là lần đầu bị phân biệt đối xử thế này”, Tian hỏi.
“Đó không hẳn là tất cả lý do, chúng tôi không có thành kiến với bạn. Một lú do thứ 2 dẫn đến quyết định thôi việc này là bạn thường xuyên đi làm muộn”, nhân viên kia phản hồi.
|
Tian bị sa thải vì quá khổ so với bộ đồng phục. Ảnh minh hoạ: Shutterstock. |
Bên cạnh đó, nhân viên này cũng nói thêm rằng bệnh viện đã tìm kiếm nhà may mới nhằm đáp ứng nhu cầu trang phục của Tian. Tuy nhiên, không doanh nghiệp nào đồng ý sản xuất quần áo theo kích thước này.
“Chúng tôi thực sự không thể tìm được nhà cung cấp nào phù hợp”, nhân viên kia nói thêm.
Tian cho biết khi cô bắt đầu làm việc tại bệnh viện vào tháng 11 năm ngoái, cô không được thông báo về bất kỳ quy định nào về đồng phục và hình dáng cơ thể. Đồng thời, cô cho rằng mình đang bị phân biệt đối xử nặng nề, khi nam đồng nghiệp kia được thỏa thuận ký hợp đồng nếu đảm bảo giảm mức cân xuống dưới 90 kg.
Sau khi được đăng tải, bài viết và đoạn hội thoại của Tian nhanh chóng trở thành đề tài được quan tâm trên mạng xã hội Trung Quốc. Đa số bày tỏ thái độ bức xúc trước quyết định vô tình từ phía bệnh viện răng hàm mặt.
“Tại sao họ không thẳng thắn trao đổi với cô ấy ngay từ tháng đầu tiên? Không thể chấp nhận mánh khóe lợi dụng và đối xử bất công này”, một tài khoản bình luận.
“Đồng phục chưa bao giờ là lý do xác đáng để đuổi việc một người. Rõ ràng, bệnh viện đang che giấu lý do thực sự”, người khác nói.
Thực tế, những câu chuyện về phân biệt đối xử tại nơi công sở đang ngày càng phổ biến ở xứ tỷ dân. Đa số nạn nhân thường trẻ tuổi và không chấp nhận bị xem thường.
Cuối năm ngoái, một phụ nữ ở Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, đã từ bỏ công việc chuyên gia truyền thông mới sau khi bị buộc phải dọn dẹp nhà vệ sinh vào ngày đầu đi làm.
Vào tháng 7 năm ngoái, một phụ nữ ở Thành Đô, Tây Nam Trung Quốc, đã bị gọi là “tình nhân” và “đồ trang sức” trong một cuộc phỏng vấn xin việc sau khi cô ấy cố gắng thương lượng về mức lương và các yêu cầu của mình.
Thảo Nguyên (Theo SCMP)