Chỉ trong vòng vài tháng trở lại đây, Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế lên hàng loạt quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran,... làm bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức nổ ra vào tháng 7/2018, khi mức thuế 25% của Mỹ với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Cả chính phủ Mỹ và Trung Quốc liên tục có những động thái áp thuế thương mại, trả đũa lẫn nhau sau đó.
|
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung mở ra những cơ hội mới cho hợp tác Nga-Trung. Ảnh: Daily Express. |
Theo giới quan sát, cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh vô tình sẽ mở ra những cơ hội mới để Trung Quốc quay sang tăng cường hợp tác thương mại với Nga và có thể làm lợi cho thương mại Nga-Trung ở mức độ nào đó.
“Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ Nga-Trung theo hướng mở ra nhiều cơ hội”, ông Huo Jianguo, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận định.
Không chỉ đẩy Trung Quốc về phía Nga, giới phân tích Mỹ còn cho rằng hệ quả không tránh khỏi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là lĩnh vực sản xuất của Mỹ sẽ cắt giảm việc làm. Ngoài ra, chi phí sản xuất nhiều mặt hàng tại Mỹ có thể tăng lên và thậm chí khiến một số doanh nghiệp Mỹ phải đóng cửa hoặc chuyển sản xuất sang nước khác.
Ngoài ra, ngày 8/8, Trung Quốc cảnh báo đã sẵn sàng áp đặt mức thuế nhập khẩu trả đũa đối với 16 triệu USD hàng hóa Mỹ, sau khi Mỹ tung ra danh sách các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc sắp chịu mức thuế 25% bắt đầu từ ngày 23/8.
Về phần Nga, sau khi Mỹ thông báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới vào nước này liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal hồi tháng 3/2018, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ trích động thái của Washington và tuyên bố Điện Kremlin sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Được biết, Tổng thống Vladimir Putin và các thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nga đã họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ chống lại Moscow, nhấn mạnh những hành động này vi phạm luật pháp quốc tế.
Giới phân tích cho rằng, trước tình hình hiện nay khi Mỹ đã “chọc giận” nhiều quốc gia trên thế giới, Moscow có thể sẽ dễ dàng tìm kiếm nhiều đồng minh trên mặt trận kinh tế, trước hết là Trung Quốc.
Mời độc giả xem video: Nguy cơ từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: VTV1)
Không chỉ chịu tổn hại về kinh tế, Mỹ cũng đứng trước nguy cơ đánh mất đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ khi quan hệ hai nước trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây do có những bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự tại Syria và vụ mục sư người Mỹ Brunson bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ.
Ngày 13/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến kinh tế đối với toàn bộ thế giới.
Ngày 14/8, ông Erdogan đã tuyên bố tẩy chay các mặt hàng điện tử của Mỹ để đáp trả việc Washington gây áp lực kinh tế đối với Ankara. Ngày 15/8, Thổ Nhĩ Kỳ công bố sắc lệnh, trong đó sẽ áp thuế 140% với rượu, 120% với xe hơi và 60% với lá thuốc lá nhập từ Mỹ.
Ngoài ra, hãng hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng ngừng quảng cáo các sản phẩm của Mỹ trên các chuyến bay của mình.
Trong khi đó, Châu Âu đã đứng ra "bênh" Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ cuộc khủng hoảng kinh tế tại nước này do đòn trừng phạt của Mỹ sẽ tác động tới hệ thống kinh tế Châu Âu. Cuối tuần qua, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier đã thẳng thừng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump.
Thiên An (Tổng hợp)