Cách đây ít ngày, thông tin "một phụ nữ bị cận thị cao 3.000 độ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu" đứng đầu từ khóa tìm kiếm trên các trang mạng xã hội tại Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng. Theo truyền thông nước này xác nhận, sự việc trên là hoàn toàn có thực và người phụ nữ đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã buộc phải cắt bỏ nhãn cầu bị độ cận quá nặng.
Theo các bác sĩ, trục mắt của người bình thường dài khoảng 22-24 mm, nhưng do bị cận thị lâu năm, trục mắt của người phụ nữ trên đã lên tới 35 mm, chỉ một động tác hắt hơi đơn giản cũng có thể khiến cô bị bong võng mạc. Diopter (thông số để xác định mức độ cận thị nặng hoặc nhẹ) của người phụ nữ trên thậm chí đã vượt quá giá trị tối đa mà thiết bị có thể phát hiện, do đó các bác sĩ chỉ có thể ước tính mức độ này thông qua trục mắt.
|
Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, trong 10 năm qua, người phụ nữ trên đã phải trải qua 4 lần phẫu thuật cải thiện võng mạc do bị cận thị nặng và sau cùng cô buộc phải cắt bỏ nhãn cầu do biến chứng tăng nhãn áp.
Theo các chuyên gia, cận thị cũng được chia thành 3 cấp độ. Dưới 300 độ là cận thị nhẹ, 300-600 độ là cận thị vừa và ở mức hơn 600 độ là cận thị cao. Cận thị cao và cận thị cực cao có liên quan đến yếu tố di truyền và môi trường. Hiện nay, người cận thị không phân biệt nghề nghiệp, không phân biệt lứa tuổi. Theo Sina, tại Trung Quốc từng ghi nhận trường hợp một bé gái 3 tuổi bị cận thị hơn 1.000 độ do di truyền hoặc và một học sinh tiểu học cận thị 700-800 độ do hậu quả của việc sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng quá nhiều.
Các bác sĩ cho rằng, cũng giống như khám sức khỏe định kỳ, người cận thị nặng cũng cần khám sức khỏe mắt định kỳ, đặc biệt là khám toàn diện đáy mắt (võng mạc) để phát hiện sớm các vấn đề có thể xảy ra, như thoái hóa võng mạc, lỗ thủng…, hay các tổn thương nghiêm trọng hơn. Việc kiểm tra định kỳ này được khuyến nghị thực hiện mỗi năm một lần.
Nguyễn Nguyễn