John McCain: Con sư tử cuối cùng của Thượng viện Mỹ

Google News

Thượng nghị sĩ John McCain qua đời nhưng hình ảnh dũng mãnh và ý chí của ông sẽ không bị chìm vào quên lãng trong ký ức của các đồng nghiệp tại Thượng viện Mỹ.
 

Thượng nghị sĩ John McCain là nhân tố quan trọng trên chính trường Mỹ trong nửa thế kỷ qua. Ông là nhân vật luôn có mặt để thách thức cả bạn lẫn thù với tính cách độc đáo của mình – đôi lúc giận dữ, có lúc hóm hỉnh và luôn sôi nổi.
Theo New York Times, khi McCain, người luôn hướng tới sự đoàn kết quốc gia, đã đi xa, ông để lại phía sau một cuộc đời đầy chiến tích. Chính trường Mỹ đối mặt với khoảng trống lớn khi sự chia rẽ ngày càng lớn.
John McCain: Con su tu cuoi cung cua Thuong vien My
 Thượng nghị sĩ John McCain qua đời ở tuổi 81 vào ngày 25/8. Ảnh: Reuters.
"Chúng ta mất một người, mà bất kể tổng thống là ai, thì cũng vẫn tin vào vai trò giám sát và cân bằng của Thượng viện", Thượng nghị sĩ Susan Collins của phe Cộng hòa tại bang Maine, nói. "Đó là người khổng lồ thật sự tại Thượng viện, một hình bóng lớn và người tạo khác biệt không chỉ với chính sách mà trong cả khẳng định vai trò của Thượng viện như đã được Hiến pháp chỉ định".
Đặt Thượng viện lên trước lợi ích đảng phái
McCain đã vắng bóng ở thủ đô của nước Mỹ kể từ tháng 12/2007, để điều trị căn bệnh ung thư não. Ông vẫn đóng góp từ xa trên một loạt vấn đề nhưng những thông điệp điện tử từ Arizona mất đi sức mạnh vốn có nếu được chính ông truyền tải từ sàn của Thượng viện.
"Người ta sẽ thấy thiếu vắng khi ông mất đi", Carl Hulse của New York Times viết.
Ngày 25/8, ông qua đời vì ung thư não. Trùng hợp, đây cũng là ngày mất của Thượng nghị sĩ Edward Kennedy 9 năm trước vì căn bệnh tương tự.
Thượng nghị sĩ John McCain và Kennedy là bạn lâu năm. Hai người có nhiều khoảnh khắc đối lập nhưng lại bổ sung cho nhau, tạo nên một cặp bài trùng trong các vấn đề lớn của Mỹ như vấn đề nhập cư. Họ có thể tranh luận nảy lửa ở Thượng viện nhưng sau đó vẫn cùng cười lớn. Cả hai đều là nhân vật quan trọng có tài thu hút sự chú ý đặc biệt của Thượng viện và cả nước về mình cũng như các vấn đề trong ngày. Nhưng giờ đây, Thượng viện Mỹ dường như trở thành một nơi nhỏ bé khi vắng bóng họ.
McCain có quyền lực thật sự, không phải chỉ trên danh nghĩa chính trị gia kỳ cựu hay chức chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, mà quyền lực của ông xuất phát từ kinh nghiệm sống giàu có.
John McCain: Con su tu cuoi cung cua Thuong vien My-Hinh-2
 Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, Joe Lieberman và John McCain nói chuyện tại Washington năm 2008. Ảnh: Reuters.
Những gì ông từng trải qua mang đến uy tín và sức nặng dù ông ở bất kỳ vị trí nào. McCain là người hiểu rõ nhất sự cần thiết cấm tra tấn vì bản thân ông là tù binh trong chiến tranh suốt gần 6 năm.
Bên cạnh đó, ông cũng là người khởi xướng cải cách quy định tài chính trong vận động bầu cử. Đây là kết quả của kinh nghiệm cay đắng ông rút ra từ vụ bê bối Keating Five. Trong vụ việc, năm nghị sĩ, gồm McCain, bị cáo buộc can thiệp vào cơ chế điều tiết của ngân hàng nhằm giúp đỡ Charles Keating, nhà tài phiệt từng tài trợ cho quỹ vận động chính trị của các nghị sĩ.
McCain còn là người tin vào thể chế (dù cũ kỹ) khi nằm trong nhóm 14 thượng nghị sĩ lưỡng đảng đạt được thỏa thuận năm 2015 nhằm duy trì cơ chế filibuster. Đây là cơ chế cho phép thượng nghị sĩ tranh luận không giới hạn để ngăn cản, trì hoãn Thượng viện đưa ra một quyết định hoặc dự luật nào đó.
Những sự kiện trên cho thấy McCain sẵn sàng đặt vận mệnh của Thượng viện lên trước lợi ích đảng phái. Thời kỳ có mặt McCain giúp các thượng nghị sĩ nhìn thấy rằng bản thân họ là một thể độc lập trong hệ thống hành pháp thay vì đơn thuần là một phần mở rộng của một nhánh chính phủ.
Tiếng nói thẳng thắn tại Thượng viện
McCain, với ý chí của mình, chịu đựng mọi khó khăn từ quá trình phục hồi sau 6 năm tù để quay về quân đội và trở thành đầu mối liên lạc giữa Hải quân với Thượng viện. Sau đó, sự quan tâm với chính trị được mài giũa qua năm tháng đã đưa ông trở thành một thượng nghị sĩ.
Nhớ lại nhiệm kỳ đầu của McCain ở Thượng viện năm 1987, hậu quả vụ bê bối Keating Five kéo dài từ năm 1989 đến 1991 trở thành nỗi xấu hổ lớn với ông, một cú đòn nặng với một người luôn tuân thủ luật lệ nghiêm khắc như ông.
McCain là nghị sĩ đảng Cộng hòa duy nhất trong vụ việc và bị Ủy ban Đạo đức Thượng viện khiển trách vì đánh giá kém (ông chịu án nhẹ nhất). Phiên điều trần được phát trên truyền hình đã đặt dấu chấm kết thúc với sự nghiệp chính trị của một số nghị sĩ bị tố giác.
Tuy nhiên, trải nghiệm khắc nghiệt ấy giúp McCain trở thành một nhà lập pháp độc lập hơn. Ông rút kinh nghiệm và bắt đầu vận động cải cách cơ chế tài trợ tranh cử nhằm giảm tác động của tiền bạc trong chính trị.
Sau đó, ông tranh cử tổng thống 2 lần vào năm 2000 và 2008. Dù thất bại trước Barack Obama là một cú sốc lớn, McCain nhanh chóng hồi phục, tiếp tục là tiếng nói thẳng thắn tại Thượng viện về chính sách quốc phòng và nhập cư. Không những thế, ông tỏ ra là một đối thủ nặng ký với chính quyền Obama trong hàng loạt vấn đề từ đối nội tới đối ngoại.
John McCain: Con su tu cuoi cung cua Thuong vien My-Hinh-3
Thượng nghị sĩ McCain rời Thượng viện sau khi bỏ phiếu cho đạo luật sức khỏe vào tháng 7/2017. Trước đó, ông được chẩn đoán mắc ung thư não. Ảnh: Reuters. 
Ít người trong Thượng viện tránh được những cơn nóng của McCain. Ông có thể cực kỳ cục và coi thường những người ông coi là cản trở hay có quan điểm vô căn cứ.
Khi ông tranh cử năm 2008, một số đồng nghiệp đã thì thầm lo lắng rằng tính cách vậy của ông sẽ không phù hợp để tranh cử. Nhưng những vụ nóng kiểu vậy thường sớm qua đi và ông McCain thường sẽ nói lời xin lỗi.
Đối với một chính trị gia xây dựng danh tiếng từ quan hệ gần gũi với báo chí, ông cũng lúc "nóng", lúc "lạnh" với truyền thông. Dù vậy, ngay cả khi tức giận, ông không tránh xa mà vẫn thường tranh luận với phóng viên ở hành lang quốc hội.
Tháng 9/2017, khi McCain lần đầu trở lại Washington sau thông báo mắc bệnh, phóng viên được yêu cầu giữ khoảng cách để tránh lây bệnh vì hệ miễn dịch của ông đã suy yếu. Tuy nhiên, điều đó chỉ kéo dài được một ngày. Hôm sau, Thượng nghị sĩ McCain nhanh chóng sải bước qua hành lang và trao đổi thông tin với nhà báo và đồng nghiệp như bình thường.
Cuộc bỏ phiếu cuối cùng trong sự nghiệp của McCain đánh dấu bước ngoặt của ông khi nỗ lực đấu tranh chống Tea Party, phong trào bảo thủ do chính Sarah Palin, ứng cử viên phó tổng thống của McCain, khởi xướng.
Trong những động thái cuối cùng trên chính trường Mỹ, McCain thách thức phe cực hữu và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống bãi bỏ đạo luật sức khỏe cộng đồng Affordable Care Act (Obamacare) bất chấp sự chỉ trích của tổng thống.
Sức ảnh hưởng của "sư tử" còn đó
Phần lớn những cải cách về tài chính vận động bầu cử mang dấu ấn của McCain hiện vẫn chưa được hoàn thành. Tương tự, bất chấp những nỗ lực của ông, vấn đề nhập cư cũng chưa được giải quyết. Thỏa thuận duy trì cơ chế tranh luận không giới hạn tại Thượng viện thì đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, tác động của McCain đối với Thượng viện, ảnh hưởng của ông với đồng nghiệp và sức mạnh ý chí của ông sẽ không bao giờ bị lãng quên.
“Sư tử đã đi rồi. Những con sư tử của Thượng viện đã ra đi. Thật đáng buồn”, New York Times dẫn lời Thượng nghị sĩ Collins.
Theo Ngọc Hà/Zing.vn