Theo đó, một phần kế hoạch của Israel bao gồm chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở miền Nam Gaza trên biên giới với Ai Cập. Hoạt động sơ tán dân thường dường như sẽ được triển khai sớm hơn dự kiến.
Các đồng minh của Israel đã cảnh báo về hậu quả thảm khốc của cuộc tấn công ở Rafah bởi hàng trăm nghìn người Palestine phải di tản vì xung đột đang tập trung tại đây. Tuy nhiên, phía Israel lại xem chiến dịch tại Rafah là cần thiết để có thể tiêu diệt hoàn toàn các tay súng của lực lượng Hamas. Nếu không, Hamas sẽ lại trỗi dậy một lần nữa.
Người Phát ngôn Hagari khẳng định IDF sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi những con tin cuối cùng được về nhà, trong bối cảnh thân nhân của các con tin đang gây sức ép lên Chính phủ Israel nhằm thực hiện mọi hành động để giải thoát cho người thân của họ.
Tuần trước, nhóm các nền kinh tế phát triển G7 đã lên tiếng phản đối một “hoạt động quân sự toàn diện” ở Rafah. Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo Israel không nên tấn công Rafah, cho rằng hành động này sẽ làm tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với người dân Palestine. Tổng thống Mỹ Joe Biden từng công khai phản đối cuộc tấn công vào Rafah với lý do Israel vẫn chưa đưa ra kế hoạch đảm bảo an toàn cho dân thường.
Bạo lực hiện cũng bùng phát ở khu Bờ Tây do Israel kiểm soát, nơi các cuộc đụng độ gia tăng trong hai năm qua đã leo thang hơn nữa kể từ khi cuộc xung đột tại Gaza nổ ra.
Phần lớn các viện trợ quân sự mới được Hạ viện Mỹ thông qua vào ngày 20/7 dự kiến sẽ được sử dụng cho việc củng cố hệ thống phòng không của Israel. Động thái này diễn ra sau khi một cuộc tấn công do phía Iran phát động với hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái nhằm đáp trả cuộc tấn công vào Đại sứ quán Tehran tại Damascus, Syria.
Theo CTV Ngọc Anh/VOV.VN