Đây là vụ tấn công đẫn máu nhất nhằm vào quân đội Mali trong những năm gần đây. Vụ tấn công diễn ra chỉ vài ngày ngay sau khi Mỹ thông báo đã tiêu diệt được thủ lĩnh của IS al-Baghdadi, là lời nhắc nhở với thế giới rằng bóng ma khủng bố nói chung và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nói riêng, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại và ám ảnh người dân thế giới.
Quân đội Mali cho biết 53 binh lính và 1 dân thường thiệt mạng, nhiều người khác mất tích trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào doanh trại quân đội ở khu vực Menaka, Đông Bắc nước này. Chính phủ Mali đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời triển khai quân đội đến khu vực để tăng cường an ninh cũng như truy tìm các phần tử khủng bố.
Vụ tấn công xảy ra chỉ một tháng sau khi 2 vụ tấn công khác nhằm vào các mục tiêu quân sự xảy ra ở gần biên giới với Burkina Faso, khiến 40 binh sĩ thiệt mạng. Điều này cho thấy những thách thức đang gia tăng khi IS bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động trong khu vực.
|
Một vụ đánh bom ở Mali. (Ảnh minh họa của Naharnet) |
Với căn cứ chính là Mali, IS cùng với al-Qaeda có thể tỏa ra tất cả khu vực Sahel, gây mất ổn định tại một số khu vực của Niger hay Burkina Faso.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 2/11 lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với quân đội Pháp và quân đội châu Phi đang đối phó với nhóm vũ trang trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cũng cho biết sẽ sớm thăm Mali để thảo luận với chính quyền nước này giúp ổn định tình hình khu vực.
Đây là vụ tấn công mới nhất mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS lên tiếng nhận thực hiện, sau khi Mỹ tiêu diệt được thủ lĩnh al-Baghdadi của Tổ chức này. Trước đó, khủng bố IS đã lên tiếng nhận thực hiện các vụ tấn công ở một số nước, làm dấy lên mối lo ngại về việc tổ chức khủng bố này đang đẩy mạnh các vụ tấn công nhằm “ phô trương thanh thế” sau các thất bại liên tiếp cũng như trả thù cho cái chết của “anh cả” al-Baghdadi.
Các cơ quan an ninh châu Âu cũng lo ngại, việc IS lập thủ lĩnh mới Abu Ibrahim al-Hashemi al-Quraishi có thể kích hoạt sự nổi dậy của thế hệ IS thứ 2, với nguy cơ lớn nhất là các cuộc tấn công trả thù đẫm máu nhằm vào Mỹ và châu Âu. Nhân vật này được cho là sẽ lên kế hoạch phát động một làn sóng tấn công mới, để khẳng định quyền lực của vị trí vừa mới đảm nhiệm.
Các nước châu Âu hiện cũng đặt báo động cao về nguy cơ bị tấn công trả thù. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner kêu gọi tăng cường cảnh giác để ngăn chặn các vụ tấn công có thể xảy ra, đặc biệt trong các sự kiện đông người vào thời điểm cuối năm và đặt lực lượng cảnh sát nước này trong thế cảnh giác cao nhất. Mỹ cũng khẳng định chống IS vẫn là ưu tiên quốc gia hàng đầu của Mỹ.
Điều phối viên chống khủng bố của Mỹ Nathan Sales khẳng định: “Tổ chức khủng bố IS vẫn là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chúng tôi. Mỹ biết rằng nhóm này đã lựa chọn Thủ lĩnh mới. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng tất cả các biện pháp bao gồm quân sự, tình báo, luật pháp, tài chính và biên giới để gia tăng sức ép lên tổ chức khủng bố này. Chúng ta sẽ xóa bỏ được tổ chức này bất chấp thủ lĩnh của lực lượng này là ai”.
Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011, cũng như là bước ngoặt lớn đối với cuộc chiến chống khủng bố quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước trên thế giới cho rằng, bóng ma khủng bố của IS vẫn hiện hữu và các nước cần phải tiếp tục phối hợp để đối phó với tổ chức này. Dự kiến một hội nghị quốc tế có sự tham dự của Ngoại trưởng các nước sẽ diễn ra tại Washington vào ngày 14/11 tới để thảo luận các biện pháp phối hợp toàn cầu chống IS.
Theo Phạm Hà/VOV1