Bước đột phá, sai lầm hay cột mốc quan trọng?
Người ta có nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc gặp thượng đỉnh tới đây giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nhưng, với hàng nghìn gia đình ly tán vì chiến tranh 1950-1953, cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27/4 sẽ là cơ hội nối lại những cuộc đoàn tụ liên Triều và cho họ hy vọng cuối cùng gặp gỡ những người thân yêu bên kia biên giới.
Chia ly vì chiến tranh
Kwon Moon Kook chỉ vừa tròn 19 khi những sư đoàn của Triều Tiên vượt qua vĩ tuyến 38 tràn xuống miền Nam. Cuộc chiến tranh bùng nổ đã chia cắt ông khỏi cha mẹ cùng hai người em trai. Từ đó tới nay, ông chưa một lần nghe tin tức gì về gia đình.
Chỉ ba tuần sau khi chiến tranh nổ ra, Kwon được gọi tòng quân. Ông trải qua hai tuần huấn luyện trước khi được biên chế vào một đơn vị xe tăng xâm nhập miền Nam. Đơn vị của ông Kwon sau đó bị đánh bại bởi lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu.
|
Kwon Moon Kook trong quân đội Triều Tiên. Ảnh: CNN. |
"Tôi không muốn chết, nhưng lúc đó cái chết dường như khó tránh khỏi khi đơn vị của tôi bị máy bay ném bom tan tác", Kwon nói. Người thanh niên 19 tuổi sau đó bỏ chạy.
Khi lực lượng Liên Hợp Quốc bị chí nguyện quân Trung Quốc đẩy lùi, ông Kwon lưu lạc theo dòng người di tản về miền Nam và không còn cơ hội trở về nhà.
Đã 70 năm kể từ ngày ly biệt gia đình, Kwon không có bất cứ thông tin gì từ cha mẹ, anh em. Ông tâm sự nếu như biết trước kết cục chia ly trong 7 thập kỷ, Kwon sẽ không bao giờ rời bỏ gia đình tham gia quân ngũ.
Đã kể câu chuyện gia đình vô số lần với các phóng viên đến tìm hiểu, chưa khi nào ông Kwon cầm được nước mắt khi nghĩ về số phận những người thân hiện không rõ tung tích phía Bắc vĩ tuyến 38.
"Khi hai miền Nam - Bắc duy trì liên lạc trong quá khứ, tôi nhiều lần thu gom quần áo cũ, mong sao có cơ hội gửi cho gia đình ở Triều Tiên. Nhưng rồi tất cả chỉ còn là thất vọng", ông Kwon nói mà không kìm được nước mắt.
Những câu chuyện đau lòng như của ông Kwon không hề hiếm gặp trên khắp bán đảo Triều Tiên. Những nhân chứng của chiến tranh liên Triều đầu thập niên 50, giờ, đều đã ở độ tuổi thất thập. Với những ông già bà cả bị chia cắt khỏi gia đình vì cuộc nội chiến, tuổi tác không rộng lượng cho họ thêm nhiều thời gian để chờ đợi các chương trình đoàn tụ đến nay chưa biết khi nào được nối lại.
Những người may mắn hiếm hoi
Nhiều năm qua, các chính trị gia Hàn Quốc lên tiếng cảnh báo thời gian cho những gia đình ly tán được đoàn tụ không còn nhiều. Trong số ấy, người thực sự hiểu rõ nhất có lẽ là Tổng thống Moon Jae In, con trai một gia đình từ miền Bắc di cư xuống miền Nam trong thời gian chiến tranh.
Năm 2004, ông Moon cùng mẹ tham gia chương trình đoàn tụ. Đó là lần đầu tiên sau gần 70 năm mẹ của ông Moon được gặp lại em gái, và là lần đầu tiên ông Moon nhìn thấy người dì của mình.
|
Hình ảnh một cuộc đoàn tụ gia đình năm 2010. Ảnh: Reuters. |
Từ năm 2000 đến nay, khoảng 20 chương trình đoàn tụ liên Triều đã được tổ chức, chủ yếu trong thời kỳ quan hệ hai miền hòa dịu. Chỉ có khoảng 100 người mỗi bên được tham gia mỗi lần đoàn tụ. Đó chỉ như những hạt cát so với đại dương những người ly tán gia đình vì chiến tranh Triều Tiên.
Không chỉ với người dân Hàn Quốc - Triều Tiên, những cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt gây xúc động cho cả các phóng viên ngoại quốc. Những người anh em, họ hàng, chỉ có vài ngày gặp gỡ trò chuyện trước khi một lần nữa chia ly, và nhiều khả năng là vĩnh viễn. Lần cuối cùng chương trình đoàn tụ liên Triều được tổ chức là năm 2015.
Theo thống kê mới nhất của chính phủ Hàn Quốc, từ năm 1988 tới nay, có khoảng 131.000 người Hàn Quốc đăng ký thuộc diện gia đình ly tán. Đã có hơn 73.000 người qua đời vì tuổi già, trong khi khoảng 25% những người còn sống đã quá 90 tuổi.
Sắp hết thời gian
Nay đã ở tuổi 87, ông Kwon hiểu rằng khó có cơ hội gặp lại cha mẹ. Nhưng, hai người em trai ông, ở tuổi 12 và 15 khi Kwon rời Triều Tiên, nhiều khả năng vẫn còn sống.
"Tôi không biết vì sao nữa. Càng về già, tôi càng nhớ về các em trai mình nhiều hơn", ông Kwon tâm sự.
Người cựu binh của quân đội Triều Tiên kết hôn với một phụ nữ miền Bắc khác cũng bị chia cắt khỏi gia đình vì chiến tranh. Cùng nhau, hai ông bà đã có 4 người con và 9 đứa cháu cả nếp lẫn tẻ. Nhưng, suy nghĩ về một gia đình khác, một gia đình bị tước đoạt khỏi Kwon ở độ tuổi đôi mươi, vẫn ám ảnh ông suốt 70 năm qua.
|
Ông Kwon quan sát quê cũ thông qua ảnh vệ tình. Ảnh: CNN. |
Với ông Kwon, chỉ có một cách duy nhất khiến ông cảm thấy gần gũi với gia đình đã mất của mình, đó là quan sát ảnh vệ tinh trên Google Earth. Ông thường tìm kiếm hình ảnh khu vực nơi có căn nhà và ngôi trường cũ của ông, đâu đó gần thành phố Wonsan, bờ biển phía Đông Triều Tiên. Kwon cho biết những tòa nhà cũ đã biến mất, nay chỉ còn các công trình quân sự và tàu chiến gần đó.
"Có lẽ họ chẳng còn ở đó nữa", Kwon buồn bã nói.
Tại Hàn Quốc, ông Kwon trú ngự ở làng Abai, bờ biển phía Đông sát khu vực phi quân sự DMZ. Cũng như hàng nghìn người Triều Tiên lưu lạc về miền Nam trong thời chiến, ông hy vọng trở về miền Bắc sớm nhất có thể khi cơ hội mở ra.
Sau những thăng trầm trong quan hệ liên Triều, Kwon cho biết chưa từng thôi hy vọng về ngày thống nhất hai miền. Nhưng người đàn ông 87 tuổi hiểu rõ ông sẽ khó có cơ hội chứng kiến cuộc thống nhất ấy.
"Tôi sẽ lắng nghe những gì hai bên nói, nhưng tôi không quá kỳ vọng. Sẽ có những cuộc gặp thượng đỉnh khác, lần 2, lần 3, còn tôi nay đã quá già rồi. Sẽ chẳng có thay đổi lớn nào trong phần đời còn lại của tôi đâu", Kwon nói.
Theo Duy Anh/Zing.vn