Hãng tin Reuters và CNN dẫn lời người dân cho biết, họ không có lối thoát thực sự ở Gaza, nơi đã bị Israel và Ai Cập phong tỏa suốt 16 năm qua. Khi xung đột nổ ra, ngay cả các cơ sở của Liên Hợp Quốc (LHQ), vốn được cho là vùng an toàn cũng có nguy cơ bị nhấn chìm trong cuộc xung đột. LHQ cho biết, các cuộc không kích đã làm hư hại nhiều nơi trú ẩn của họ.
Rimal, khu thương mại nhộn nhịp của Gaza với nhiều nhà cao tầng là nơi đặt trụ sở của các tổ chức viện trợ và truyền thông quốc tế, hiện đã trở thành một khu vực đầy miệng hố lớn không thể ở được sau các cuộc oanh tạc dữ dội của Israel. Rimal từng bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích của Israel trong cuộc xung đột đổ máu năm 2021 nhưng không đến mức này.
Hiện nay, phần lớn người dân ở Gaza không có điện, nước và nhà máy điện duy nhất ở khu vực này đã hết sạch nhiên liệu. Ghassan Abu-Sittah, bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện chính Al-Shifa của Gaza nói: "Bệnh viện đã quá tải và mọi thứ bắt đầu cạn kiệt. Đây mới chỉ là ngày thứ 4".
Các quan chức Gaza cho biết, những trận không kích liên tiếp ở quận Karama, phía bắc Gaza làm nhiều người chết và bị thương, mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tuy nhiên, do đường sá bị phá hủy nghiêm trọng và tình trạng thiếu thiết bị nên xe cứu thương và các đội phòng vệ dân sự không thể tiếp cận những người mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Gaza, một trong những nơi đông đúc nhất trên Trái đất đã bị Israel không kích liên tiếp để trả đũa cho vụ tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas.
Theo Hoài Linh/Vietnamnet