Hiệp ước quốc tế Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi có gì đặc biệt?

Google News

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/4 thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Buôn bán Vũ khí của Liên Hợp Quốc (ATT).
 

Phát biểu tại một hội nghị thường niên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) được tổ chức tại Indianapolis, bang Indiana, Tổng thống Trump cho rằng hiệp ước này là “sai lầm tồi tệ” và là mối đe dọa đối với sự tự do của Mỹ, cụ thể như quyền sở hữu vũ khí được đề cập trong Tu chính án thứ hai.
Hiệp ước ATT được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/4/2013 và chính thức có hiệu lực từ 23/12 cùng năm. Có tổng cộng 101 quốc gia cùng ký cam kết trong hiệp ước này. Mỹ đã ký kết hiệp ước nhưng chưa chính thức tham gia hiệp ước vì chưa được Thượng viện phê chuẩn. Hiệp ước này đã vấp phải sự phản đối của NRA và các nhóm bảo thủ khác tại Mỹ khi cho rằng nó làm suy yếu quyền sử dụng súng ở trong nước.
Hiep uoc quoc te My vua tuyen bo rut khoi co gi dac biet?
 Một cửa hàng bán súng tại Provo, bang Utah, Mỹ. Ảnh: Reuters
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, ATT được lập ra nhằm mục đích giảm thiểu những nỗi đau mà con người phải chịu đựng do việc buôn bán vũ khí vô trách nhiệm và phi pháp gây ra, đồng thời củng cố an ninh và sự ổn định trong khu vực, cũng như đảm bảo sự minh bạch trong việc mua bán vũ khí truyền thống của các quốc gia.
Hiệp hội trên cũng cho biết hiệp ước không ảnh hưởng tới luật kiểm soát súng đạn hay các chính sách sở hữu vũ khí của mỗi nước.
Tuy nhiên, ATT yêu cầu các quốc gia thành viên thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát quốc gia, bao gồm danh sách kiểm soát quốc gia, chỉ định các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh việc bán vũ khí thông thường.
Trả lời phỏng vấn đài RT, cựu quan chức Lầu Năm góc Michael Maloof cho biết sau khi được phê chuẩn, các hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc đối với Mỹ, và ATT có thể từng được sử dụng để tấn công Tu chính án thứ hai.
Hiệp ước ATT không chỉ áp dụng đối với các phần cứng quân sự như xe tăng, phương tiện bọc thép, tên lửa, máy bay chiến đấu, trực thăng, tàu chiến và bệ phóng tên lửa… mà còn nhắm tới các loại vũ khí nhỏ và hạng nhẹ.
“Tôi chưa từng thấy báo cáo nào đề cập hiệp ước này đem lại hiệu quả”, cựu quan chức Maloof lý giải.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) chuyên theo dõi doanh số bán vũ khí toàn cầu, ngành vũ khí của Mỹ chiếm 57% doanh số vũ khí trong năm 2017. Trong khi đó, Nga đạt vị trí thứ hai, với toàn bộ doanh thu là 37,7 tỷ USD, đứng sau chỉ một công ty sản xuất vũ khí quốc phòng Mỹ là Lockheed Martin (44,9 tỷ USD).
Giới quan sát đánh giá việc rút khỏi ATT là một phần trong việc điều chỉnh chính sách xuất khẩu vũ khí của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy ngành chế tạo vũ khí của Mỹ.
Theo Bảo Hà/Báo Tin tức