Theo South China Morning Post, đường dây nóng của các cơ quan cảnh sát cấp tỉnh trên khắp Trung Quốc mỗi năm tiếp nhận hàng trăm triệu cuộc điện thoại khẩn cấp của công dân. Tuy nhiên, phần lớn các cuộc gọi này bị xếp vào diện “nhảm nhí”.
Ước tính, chỉ riêng đường dây nóng của cảnh sát tỉnh Hà Bắc và Giang Tô (Trung Quốc) đã tiếp nhận tới hàng chục triệu cú điện thoại “vô bổ” trong năm ngoái, bao gồm những cú điện thoại để cấp báo về “cuộc xâm lược của thây ma”, yêu cầu “tiếp tế” giấy vệ sinh…
Riêng cảnh sát tỉnh Giang Tô tiếp nhận hơn 40 triệu cuộc gọi khẩn cấp trong năm 2015. 60% trong số này bị liệt vào loại “nhảm nhí, vô bổ”, theo Modern Express.
|
Cảnh sát trực đường dây nóng tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. |
Trong khi đó, ông Li Zhongliang, Phó Giám đốc trung tâm chỉ huy tình báo an ninh công cộng Hà Bắc cho hay, đường dây nóng 110 của cảnh sát tỉnh này đã tiếp nhận được hơn 13 triệu cú điện thoại trong năm 2015, song chỉ có 3,4 triệu cuộc gọi được xem là “hợp lệ”.
Còn lại, những cuộc gọi nhảm nhí, vô bổ nhiều vô kể, gây quá tải đường dây nóng, và khiến lực lượng trực đường dây “điên đầu”.
Cảnh sát Trung Quốc đã công bố danh sách những cú điện thoại khẩn cấp “khó đỡ” nhất mà họ nhận được trong năm 2015, trong đó bao gồm:
- Một người đàn ông hết giấy vệ sinh và gọi điện cầu cứu, đề nghị cảnh sát mang tới cho mình một cuộn giấy.
- Một người đàn ông liên tục gọi điện khiếu nại về việc mỗi khi trời mưa, ông ta lại bị tiếng vịt kêu quấy rầy. Cảnh sát đã cử cán bộ điều tra và đi đến kết luận, âm thanh “ám ảnh” người đàn ông khi trời mưa là tiếng ếch kêu chứ không phải tiếng vịt.
- Một ông chủ bị phá sản, không còn một xu dính túi, nhưng cần đi taxi tới bệnh viện gấp. Cảnh sát đã đến và cho ông này mượn 50 nhân dân tệ để đi taxi.
- Ông bố gọi điện phàn nàn về cậu con trai 20 tuổi hư hỏng và muốn cảnh sát “chỉnh đốn” con mình.
- Một cậu bé gọi điện nhờ cảnh sát can thiệp vì bị mẹ bắt uống sữa đậu nành trong khi cậu không thích thức uống này.
Ngoài ra, cảnh sát Trung Quốc còn cho biết, họ phải tiếp nhận rất nhiều cú điện thoại từ những người say rượu, hoặc những người quá cô đơn, gọi điện đến đường dây nóng chỉ để “trút bầu tâm sự”.
Ngoài ra, cũng có những đối tượng là đàn ông, gọi điện tới đường dây nóng để tán tỉnh, quấy rối các nữ cảnh sát, theo ông Li Zhongliang.
Theo Dân Việt