Các phiên bản của hệ thống này được gọi là hệ thống tính điểm tín dụng xã hội (SCS) đang được thử nghiệm tại hàng chục thành phố với mục đích tạo một mạng lưới trên toàn quốc gia. Những ý kiến phê bình cho rằng đây là một cách thức nặng nề để kiểm soát công dân. Những người ủng hộ thì nói việc này sẽ tạo ra một xã hội có văn minh và người dân sẽ tuân thủ pháp luật hơn. Chính phủ đã cảnh báo: “Những người vi phạm pháp luật và không thành thật sẽ phải chịu hậu quả rất nặng nề.”
|
Ảnh minh họa. |
Kế hoạch này có thật hay không?
Điều đó là thật. Năm 2014, nội các Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống SCS vào năm 2020. Kể từ năm 2015, một mạng lưới quốc gia tập hợp thông tin về chính quyền trung ương và địa phương đã được sử dụng để đưa hàng triệu người vào “danh sách đen”, không cho phép họ được đặt vé máy bay và tàu cao tốc - một phần của hệ thống có liên kết với SCS. Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc sẽ phải thiết lập một hệ thống phổ biến hay chỉ thực hiện trong một mạng lưới nhỏ hơn. Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi triển khai một hệ thống SCS cho toàn bộ xã hội.
Tại sao Trung Quốc lại triển khai hệ thống này?
Trung Quốc xảy ra tình trạng tham nhũng tràn lan, gian lận tài chính và hàng loạt vụ bê bối về sữa dành cho trẻ em bị nhiễm độc trong khi nước này ở giai đoạn công nghiệp hóa bùng nổ. Ý tưởng về hệ thống SCS được đưa ra với mục đích nâng cao tiêu chuẩn và lấy lại niềm tin của nhân dân cũng như là một phương tiện để giữ vững những điều luật cơ bản thường bị làm trái.
Người dân được chấm điểm như thế nào?
Việc này thay đổi tùy theo địa điểm. Tại các thành phố phía đông của Hàng Châu, hoạt động “vì xã hội” bao gồm hiến máu và công việc tình nguyện, trong khi đó vi phạm giao thông sẽ làm giảm điểm tín dụng của công dân. Ở Trung Sơn, một hòn đảo ở gần Thượng Hải, những điều cấm ở đây bao gồm sử dụng điện thoại hoặc hút thuốc khi đang lái xe, các hành động mang tính phá hoại, dắt chó đi bộ mà không dùng dây xích và chơi nhạc âm lượng lớn ở nơi công cộng.
Điểm tín dụng có thể tăng ở thành phố Nghĩa Ô gần đó bằng cách giúp đỡ người cao tuổi hoặc bảo vệ tài sản công cộng, công dân bị mất điểm vì những lý do: không trả các hóa đơn điện nước, làm trái các quy định của nhà nước hoặc lừa đảo. Hơn nữa, chơi trò chơi điện tử quá nhiều và phát tán các thông tin sai lệch cũng là “mốc” chấm điểm cho các công dân. Theo Chính sách Đối ngoại, công dân ở thành phố Đông Bắc đã thêm vào “mốc” chấm điểm cho hệ thống chính thức các hành vi sai trái là tuyên truyền về tôn giáo bất hợp pháp và xúc phạm người khác trên mạng xã hội.
Điều gì sẽ xảy ra nếu điểm tín dụng của một người giảm?
Họ có thể bị từ chối các dịch vụ cơ bản hoặc cấm vay tiền. Tại Nghĩa Ô, một công dân có điểm tín dụng thấp sẽ không thể nghỉ trong các khách sạn sang trọng, mua bất động sản, mua xe đắt tiền hoặc gửi con đến một trường tư. “Những người dối trá” sẽ phải đối mặt với những hạn chế về việc làm, trong đó bao gồm cả tài chính, theo chỉ thị của chính phủ năm 2016.
Người dân có thể khiếu nại hay không?
Công dân Nghĩa Ô có 15 ngày để khiếu nại thông tín dụng do chính quyền phát hành, theo quy định của thành phố. Một trường hợp khác được Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh dấu cho thấy rằng công dân không phải lúc nào cũng biết rằng họ bị liệt vào “danh sách đen” và việc này không hề đơn giản để sửa đổi.
Quy tắc này có được áp dụng với người nước ngoài không?
Đối với chương trình thí điểm ở Nghĩa Ô, người nước ngoài cũng được “chấm điểm”. Mức điểm thấp sẽ khiến thị thực và giấy phép cư trú không được cấp mới hay gia hạn và bị từ chối các giao dịch kinh doanh ngoại hối. Những người nước ngoài có điểm cao sẽ được hưởng các quyền lợi như vay với ưu đãi và cấp visa nhập cảnh nhiều lần.
Công nghệ nào đứng đằng sau hệ thống này?
Những tiến bộ lớn về dữ liệu đã đơn giản hóa việc thu thập cơ sở dữ liệu khổng lồ. “Nền tảng chia sẻ thông tin tín dụng quốc gia”, được sử dụng để tạo một “danh sách đen” cho các hành khách hàng không hoặc đường sắt, tập hợp thông tin từ các bộ của chính phủ và chính quyền địa phương.
Giới chức nước này đang nghiên cứu cách áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để xác định người chạy xe máy hoặc xe đạp vượt đèn đỏ, công nghệ này đã được triển khai ở Tân Cương.
Hệ thống SCS “có thể là biểu hiện nổi bật nhất” của chính phủ nhằm tăng cường các quy trình, quy định, chính sách pháp lý thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, theo chuyên gia về chính sách kỹ thuật số Trung Quốc - Rogier Creemers.
Phản ứng của người dân đối với hệ thống này như thế nào?
Các nhóm nhân quyền cho rằng đây là một động thái đầy mưu mô tại một đất nước có hoạt động kiểm duyệt truyền thông, internet và nghệ thuật rất chặt chẽ. Chính quyền của ông Tập sẽ cung cấp thêm kiến thức về kế hoạch này cho người dân và kể cả những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc, Mirijam Messner, nhà nghiên cứ tại Viện Nghiên cứ Trung Mercator, cho biết. Còn ông Creemers cho biết hệ thống này “vẫn còn là một công cụ khá “thô sơ”, nhưng sẽ dần thay đổi trong tương lai.
Đã có những ý kiến phản đối đối với các hệ thống của địa phương. Một đợt thử nghiệm tại thành phố Toại Ninh (gần Thượng Hải) đã bị dừng lại sau những chỉ trích của giới truyền thông. Ngoài ra, nhiều các khách hàng của Ant Financial cũng phản ứng dữ dội khi họ không hề biết rằng mình được đưa vào hệ thống tín dụng và chấm điểm xã hội - Sesame Credit - một công ty con của Alibaba.
Tuy vậy, những người tri thức và sống ở thành thị lại có cái nhìn tích cực hơn. Nhiều người ủng hộ việc triển khai hệ thống, coi đó là một phương tiện thúc đẩy tính trung thực trong xã hội và nền kinh tế, chứ không phải là vi phạm quyền riêng tư, theo cuộc khảo sát thực hiện bởi Viện Mercator của Đức.
Theo Hương Giang/Helino