Trong suốt hai năm, TT Trump "gây chiến" với chính các quan chức trong chính phủ, nhiều lần cho rằng cho rằng những người xung quanh ông là kẻ ngốc. Tổng thống thường tỏ ra giận dữ khi những cố vấn cố thay đổi quyết định của mình và không mấy hứng thú trước những bài thuyết trình giải thích về một vấn đề nào đó.
"Không ai hiểu hệ thống chính trị này hơn tôi, đó là lý do tại sao một mình tôi có thể sửa chữa nó", ông Trump từng phát biểu tại Đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 1/2016 ngay sau khi vừa nhậm chức. Và đúng là thời gian dần trôi thì tổng thống Mỹ ngày càng trở nên một mình với một loạt sự ra đi của các quan chức, phụ tá và cố vấn cấp cao của chính quyền.
Một loạt những sự kiện gần đây trong đó có quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cùng với việc chính phủ liên bang đóng cửa một phần khiến cho nhiều câu hỏi đang được đặt ra, liệu mọi thứ có đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ông Trump?
Cô lập trong Nhà Trắng
Vào thời điểm giữa nhiệm kỳ thứ nhất của mình, ông Trump đang ngày càng tự chủ động đưa ra các quyết định mà không trao đổi hay bàn bạc với ai. Theo New York Times, tổng thống dành nhiều thời gian hơn xem TV, và các cố vấn cho biết người đứng đầu Nhà Trắng có vẻ đang bị ảnh hưởng bởi thông tin từ những cuộc điều tra nhắm vào luật sư cũ, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử, cựu cố vấn an ninh quốc gia và quỹ Trump của gia đình ông.
|
Ông Trump được cho là đang bị ảnh hưởng bởi những thông tin liên tục được phát trên TV. Ảnh: New York Times. |
Mọi thứ trở nên khó khăn hơn với tổng thống vì những sự xáo trộn nhân sự liên tục diễn ra trong chính phủ. Ông Trump mới bước vào Nhà Trắng được 2 năm, nhưng đã có 3 Chánh văn phòng, 3 cố vấn An ninh Quốc gia, 6 Giám đốc truyền thông, 2 Ngoại trưởng, 2 Bộ trưởng Tư pháp và sắp tới sẽ là 2 Bộ trưởng Quốc phòng. Theo thống kê của Viện Brookings, tỷ lệ quan chức cấp cao nghỉ việc trong nội các lên tới 65%.
Tờ New York Times cho biết, gần đây tổng thống đã chia sẻ với các phụ tá rằng ông cảm thấy "hoàn toàn bị bỏ rơi", cho rằng không có ai đứng về phía ông và nghĩ rằng một số người xung quanh ông có động cơ khác. Cũng theo tờ báo này, ông Trump bất đồng với cả con gái Ivanka và con rể Kushner về nhiều vấn đề, mỗi khi điều này xảy ra, tổng thống cử Chánh văn phòng John Kelly đi đưa thông điệp của mình chứ không nói thẳng với các con.
Ông Trump gần đây cũng dành ít thời gian hơn cho những người bạn cũ. Cảm giác lẻ loi của tổng thống được thể hiện tại bữa tiệc mừng ngày nghỉ lễ ở Nhà Trắng vào tháng này, ông Trump xuất hiện trong vài phút, chụp vài bức ảnh chiếu lệ với các vị khách rồi sau đó đi lên tầng và biến mất chứ không hòa vào bữa tiệc. Vào hai ngày cuối tuần trước Giáng sinh, khi chính phủ đóng cửa, ông Trump ở một mình bên trong Nhà Trắng, đợi bà Melania quay lại từ Florida.
Mối quan hệ rạn nứt với phe Cộng hòa
Bên cạnh đó, tổng thống cũng đang phải đối mặt với sự sụt giảm ủng hộ của những người đứng đầu phe Cộng hòa sau một loạt quyết định, từ việc bảo vệ Thái tử Saudi trong vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại cho đến việc rút quân đội khỏi Syria và giảm bớt sự hiện diện tại Afghanistan.
|
Lãnh đạo phe Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan bên cạnh Tổng thống Trump. Mối quan hệ giữa ông Trump và những người đứng đầu phe Cộng hòa ở quốc hội đang có dấu hiệu rạn nứt. Ảnh: Getty. |
Và gần đây nhất, với việc đe dọa đóng cửa chính phủ vì không được cấp kinh phí cho bức tường biên giới, ông Trump bắt đầu khiến một số người Cộng hòa nổi giận và lên tiếng, mặc dù những người này trước đó thường giữ im lặng.
Xu hướng này chắc chắn sẽ khiến ông Trump đối mặt với nhiều khó khăn khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát hạ viện vào ngày 3/1 tới. Nếu hạ viện đưa ra một kế hoạch nào đó bất lợi cho ông Trump, tổng thống sẽ phải dựa vào các thành viên đảng Cộng hòa – phe chiếm đa số ở thượng viện – để giúp ông vượt qua thử thách.
Trong suốt hai năm qua, nếu ông Trump làm những người Cộng hòa hài lòng, ông sẽ có sự ủng hộ của họ. Từ việc tổng thống rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cho đến việc bổ nhiệm hai thẩm phán bảo thủ vào tòa tối cao, tất cả đều nhằm mục đích đổi lấy sự ủng hộ của phe Cộng hòa.
Tuy nhiên nhiều người Cộng hòa cho rằng ông Trump đang quá tập trung vào yêu cầu của nhóm có quan điểm cực hữu, họ cảm thấy tổng thống đang theo đuổi chính sách ngoại giao bất cần và cùng với đó là cuộc tranh cãi bất cần về bức tường biên giới, khiến cho chính phủ đối mặt nguy cơ đóng cửa.
“Syria đang sụp đổ và chúng ta thì đang cãi nhau về bức tường chết tiệt”, một thượng nghĩ sĩ chia sẻ với Politico.
Lý do khác cũng khiến những người Cộng hòa cảm thấy bất an đó là tính khi thất thường của ông Trump. Hồi đầu tuần trước, tổng thống có vẻ sẽ chấp nhận kế hoạch ngân sách ngắn hạn của quốc hội, trong đó không có khoản kinh phí cho bức tường biên giới với Mexico. Tuy nhiên đến ngày thứ năm, ông Trump quyết định sẵn sàng để chính phủ đóng cửa thay vì chấp nhận kế hoạch ngân sách này.
“Thường thì tốt hơn hết là tổng thống phải có một hướng đi ổn định. Bạn cần phải có dự cảm trong đầu rằng lãnh đạo của bạn sẽ như thế nào trong một hoặc hai hoặc ba tuần tới. Đây không phải là hướng đi ổn định. Chúng ta cần một hướng đi ổn định”, ông Bill Cassidy, Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Lousiana, nhận xét.
Sự rạn nứt giữa ông Trump và một số lãnh đạo phe Cộng hòa đã diễn ra từ cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Trong khi tổng thống Mỹ ra sức bảo vệ Thái tử Saudi Mohammed bin Salman, một số đồng minh thân cận của ông Trump như Thượng nghị sĩ Mitch McConnell và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này, ông Graham thậm chí còn kêu gọi dừng bán vũ khí cho Saudi Arabia.
|
Tướng Mattis là một người có quan điểm truyền thống trong các vấn đề đối ngoại và rất được lòng phe Cộng hòa. Trong ảnh là cuộc trò chuyện giữa Thượng nghị sĩ John McCain, Tổng tham mưu trưởng Joseph Dunford và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis. Ảnh: Getty. |
Va mọi chuyện xấu đi sau quyết định rút quân đột ngột của ông Trump khỏi Syria, có vẻ như rất nhiều thành viên đảng Cộng hòa đã không biết trước về quyết định này. Thượng nghị sĩ Graham cho biết ông “hoàn toàn bị bịt mắt” và tỏ ra bất ngờ trước quyết định của tổng thống. Việc Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức cũng khiến cho phe Cộng hòa lo ngại vì họ rất tin tưởng vào quan điểm an ninh cũng như chính sách ngoại giao của tướng Mattis.
Thượng nghị sĩ McConnell, lãnh đạo Cộng hòa ở thượng viện, người rất ít khi thể hiện sự bất đồng với ông Trump, vào ngày 20/12 đã cho biết ông cảm thấy “phiền lòng” bởi sự ra đi của Bộ trưởng Mattis và thúc giục chính quyền ông Trump cần phải “duy trì sự hiểu biết rõ ràng về bạn bè và kẻ thù của chúng ta”.
Theo Politico, nhiều quan chức bảo thủ thân cận với Nhà Trắng cho biết họ bắt đầu lo lắng về khả năng trúng cử nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump vào năm 2020.
Theo Sơn Trần/Zing