Tưởng chừng chỉ vài tuần nữa, người dân trên toàn thế giới sẽ cùng nhau đón giao thừa trong tiếng reo hò hân hoan giữa những màn pháo hoa và các bữa tiệc lớn. Thế nhưng, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron cùng nguy cơ về một làn sóng Covid-19 mới đang dập tắt hy vọng này, ít nhất là ở một số nơi trên thế giới.
Người dân tại một số nước sẽ lại trải qua một mùa Giáng sinh và đón năm mới ảm đạm, khi số ca mắc Covid-19 chóng mặt buộc chính phủ phải siết chặt các biện pháp hạn chế. Hàng loạt thành phố lớn ở châu Âu đã phải thay đổi chính sách và hủy bỏ các sự kiện. Trong khi đó, một số khác vẫn đang cố gắng để tổ chức ngày lễ mang tính biểu tượng này với các biện pháp phòng dịch an toàn.
|
Hàng loạt thành phố tại Mỹ đã hủy bỏ sự kiện đón năm mới do lo ngại biến chủng Omicron. Ảnh: New York Times. |
Nhiều thành phố hủy sự kiện đón năm mới
Hôm 17/12, Hội đồng Liên bang Đức thông qua đề xuất của chính phủ cấm đốt pháo hoa trong thời khắc đón giao thừa. Theo các quan chức, lý do hàng đầu là để tránh tụ tập dẫn đến các sự kiện “siêu lây nhiễm", và giảm gánh nặng cho hệ thống bệnh viện vốn đã quá tải do bệnh nhân Covid-19.
Đây đã là năm thứ hai Đức cấm bắn pháo hoa vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Điều này có nghĩa thủ đô Berlin, cũng như ở các điểm tập trung lớn khác là Munich và Frankfurt, sẽ lại trải qua một đêm Giao thừa lặng lẽ khi bước sang năm thứ ba của đại dịch.
Đức cũng áp đặt thêm các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan của virus bắt đầu từ ngày 28/12, Thủ tướng Olaf Scholz thông báo hôm 21/12. Theo đó, các cuộc tụ tập sẽ bị giới hạn 10 người, bất kể tình trạng tiêm chủng. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các quan chức y tế Đức dự báo biến chủng Omicron sẽ gây ra đợt dịch thứ 5 tại quốc gia này và đẩy số ca mắc mới tiếp tục tăng.
Tương tự Đức, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết các sự kiện công cộng quy mô lớn và bắn pháo hoa sẽ bị cấm vào đêm giao thừa. Ông Castex khuyến cáo người dân tự xét nghiệm trước khi tham gia vào các buổi tiệc cuối năm.
Paris đã hủy bỏ kế hoạch bắn pháo hoa truyền thống trên đại lộ Champs Elysees vào đêm giao thừa vì sự gia tăng ca mắc Covid-19 mới. "Pháo hoa sẽ không diễn ra và không may là cũng sẽ không có bất cứ DJ nào", Văn phòng thị trưởng cho biết.
Quyết định này phù hợp với các quy định mới của Chính phủ Pháp để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Omicron. Trước đó, Thủ tướng Castex đã ví sự lây lan của biến chủng mới là "nhanh như chớp" và cảnh báo Omicron sẽ trở thành chủng thống trị ở Pháp vào đầu năm 2022. Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran xác nhận, 7-10% số ca mắc Covid-19 mới ở nước này có thể là do biến chủng Omicron.
Tại Anh, một trong những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Omicron, sự gia tăng nhanh chóng của ca mắc Covid-19 đã khiến một số cơ sở y tế như Bệnh viện York gần như hoạt động 100% công suất. Vương quốc Anh hôm 22/12 công bố 106.122 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, đánh dấu ngày đầu tiên số ca nhiễm vượt mức 100.000 giữa lúc biến chủng Omicron lây lan nhanh.
Trong bối cảnh đó, Thị trưởng London Sadiq Khan hôm 21/12 cho biết ông đã đưa ra "quyết định khó khăn" là hủy bỏ sự kiện mang tính biểu tượng của thành phố, dự kiến tổ chức với 6.500 người tại Quảng trường Trafalgar vào đêm giao thừa. "Do sự gia tăng trong các trường hợp Covid-19, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là hủy sự kiện ở Quảng trường Trafalgar", ông Khan cho biết. "Sự an toàn của tất cả người dân London phải được đặt lên hàng đầu".
Trong khi đó, tại Mỹ, hàng loạt thành phố cũng đã hủy bỏ sự kiện đón năm mới trong bối cảnh Omicron vượt các chủng khác trở thành biến chủng thống trị ở nước này.
Các nhà tổ chức cho biết bữa tiệc đêm giao thừa ở Công viên Grand của Los Angeles sẽ diễn ra mà không có khán giả. Tại thành phố New York, tập đoàn giải trí Fox cũng thông báo tạm dừng sự kiện năm mới New Year’s Eve Toast & Roast vì “Omicron lây lan quá nhanh nên không thể tạo nên một chương trình đặc biệt tại Quảng trường Thời đại”.
Các kế hoạch khác cho lễ đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại còn đang bỏ ngỏ. Thị trưởng Bill de Blasio sẽ ra quyết định trong tuần này về việc liệu có thông qua kế hoạch cho phép du khách đã tiêm chủng tụ tập hay không.
Mỗi năm, hàng triệu người dân và du khách từ khắp nơi trên thế giới sẽ đổ về Quảng trường Thời đại để cùng đón chờ thời khắc giao thừa thiêng liêng giữa những màn pháo hoa rực rỡ. Điều này gây ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong bối cảnh biến chủng mới với khả năng lây lan nhanh chóng có thể biến cuộc vui thành sự kiện "siêu lây nhiễm".
|
Màn bắn pháo hoa hoành tráng tại Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất thế giới năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Một bức tranh trái ngược khác
Không phải tất cả thành phố trên thế giới đều bị “trật bánh" kế hoạch đón năm mới. Bất chấp nhiều nơi đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ vì Covid-19, chính quyền một số quốc gia vẫn cho phép tổ chức các sự kiện nhân dịp đặc biệt này.
Tại Bangkok, thủ đô của Thái Lan, các lễ hội vẫn sẽ diễn ra nhưng kèm theo các biện pháp hạn chế nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo Bangkok Post, chỉ những địa điểm ngoài trời mới được phép tổ chức các sự kiện đón năm mới, trong khi những người tham dự phải được tiêm phòng đầy đủ, xét nghiệm trong vòng 72 giờ, và đăng ký trước. Đồ uống có cồn được phép bán ở các nhà hàng vào đêm giao thừa cho đến 1h ngày 1/1/2022.
Kiattiphum Wongrajit, Tổng thư ký Y tế Công cộng, cho biết Bộ Y tế có kế hoạch đề xuất thiết lập "Khu vực an toàn Covid-19" để cho phép tháo khẩu trang tại một số nơi được chỉ định, như công viên công cộng và bãi biển. Đây được xem như món quà năm mới cho người Thái. Tuy nhiên, kế hoạch bị chỉ trích trên mạng xã hội sau khi được công bố, nhiều người cho rằng điều này sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, màn bắn pháo hoa hoành tráng tại Burj Khalifa, tòa tháp cao nhất thế giới, vẫn đang được lên kế hoạch. Gần đây, chính quyền thành phố Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, cho biết những du khách muốn tham dự sự kiện này phải đăng ký bằng ứng dụng U by Emaar để nhận mã QR cá nhân.
Không chỉ vậy, Nam Phi, một trong những quốc gia đầu tiên hứng chịu làn sóng dịch từ biến chủng Omicron, cũng thông báo tổ chức sự kiện đón năm mới ở thủ đô Cape Town. Tuy nhiên, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt sẽ được áp đặt, bao gồm đóng cửa các địa điểm sớm và thực hiện giờ giới nghiêm.
Trong cuộc họp báo hôm 22/12, bà Michelle Groome, nhà khoa học thuộc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm (NICD), cho biết tất cả dấu hiệu đang cho thấy Gauteng - tâm dịch ở Nam Phi - đã vượt qua đỉnh dịch do Omicron gây ra.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng người dân không nên chủ quan bởi không giống Nam Phi đã đạt được một tỷ lệ miễn dịch nhất định trong dân số, nhiều quốc gia trải qua ít đợt lây nhiễm nghiêm trọng hơn, do đó có thể phải đối mặt với biến chủng Omicron theo cách khác.
Mới đây, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo hoạt động ăn mừng kỳ nghỉ lễ sắp tới ở nhiều nước có thể “làm tăng ca mắc Covid-19, gây quá tải hệ thống y tế và dẫn tới thêm nhiều ca tử vong”.
“Một sự kiện bị hủy vẫn tốt hơn là một đời bị hủy”, ông nói.
Theo Minh An/Zing