Dù rất nỗ lực vận động, song với kết quả 248 phiếu thuận và 181 phiếu chống, đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ đã không thể có đủ một đa số 2/3 số phiếu ủng hộ theo luật định để vô hiệu hóa quyết định phủ quyết của Tổng thống Trump. Trong cuộc bỏ phiếu này chỉ có vài nghị sĩ Cộng hòa quay sang ủng hộ việc “phớt lờ” quyết định phủ quyết đầu tiên của ông Trump kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng ngày 20/1/2017.
Kết quả này được coi là một thắng lợi chính trị quan trọng dành cho ông Trump, đồng nghĩa với việc sắc lệnh khẩn cấp quốc gia nhà lãnh đạo Mỹ ban bố hồi tháng 2 nhằm huy động ngân sách xây bức tường biên giới phía Nam vẫn còn nguyên hiệu lực.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty Images |
Ngày 26/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết nhằm ngăn chặn Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia. Với tỷ lệ 245 phiếu ủng hộ và 182 phiếu chống, nghị quyết nói trên đã được thông qua và chuyển lên Thượng viện, do đảng Cộng hòa kiểm soát, để tiếp tục bỏ phiếu. Đáng chú ý, trong lần bỏ phiếu tại Hạ viện, đã có 13 nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết định ủng hộ phe Dân chủ.
Đến ngày ngày 14/3, với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do Tổng thống Trump ban bố liên quan đến vấn đề an ninh biên giới.
Tuy nhiên, ngày 15/3, Tổng thống Trump đã phủ quyết nghị quyết ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Thượng viện Mỹ. Đây là lần đầu tiên ông Trump dùng quyền phủ quyết của tổng thống kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng nhằm bảo vệ quan điểm cho rằng mở cửa biên giới sẽ làm tăng tỷ lệ tội phạm, ma túy và buôn lậu vào quốc gia này.
Phát biểu trước phóng viên báo chí tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump khẳng định: “Hôm nay, tôi phủ quyết nghị quyết này. Quốc hội có quyền tự do thông qua nghị quyết này và tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó”. Tổng thống Trump cũng cho rằng đây là nghị quyết “nguy hiểm” và “thiếu thận trọng”.
Phe Dân chủ tuyên bố đã cố gắng tìm cách vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Trump trong trường hợp này. Một số nghị sĩ Cộng hòa cũng bày tỏ quan ngại quyết định phủ quyết của Tổng thống Trump, qua đó giữ nguyên hiệu lực của sắc lệnh khẩn cấp quốc gia, sẽ tạo một tiền lệ xấu.
Tuy nhiên, vô hiệu hóa quyền phủ quyết của người đứng đầu nhánh hành pháp là một qui trình không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh chính trường Mỹ chia rẽ như hiện nay. Nghị quyết cần phải nhận được các đa số phiếu áp đảo (2/3 số phiếu ủng hộ) tại cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ để vô hiệu hóa quyết định phủ quyết của tổng thống.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức