Stephen Yao, một cư dân sinh sống tại tỉnh Quảng Đông, từng có hơn 20 chuyến đi nước ngoài mỗi năm để tìm mua các bất động sản nước ngoài cho giới nhà giàu Trung Quốc, theo SCMP.
Các địa điểm phổ biến bao gồm Kyoto (Nhật Bản), Bangkok, Pattaya (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia).
Như nhiều ngành nghề khác, đại dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh của Yao “đóng băng” đột ngột. Chuyến đi nước ngoài cuối cùng của người đàn ông 46 tuổi diễn ra cách đây tròn 2 năm, vào tháng 3/2020.
|
Người trẻ có tiền ở Trung Quốc cũng muốn mua nhà, song họ không mặn mà với các bất động sản tại nước ngoài như thế hệ trước. Ảnh: SCMP.
|
Các bất động sản ở nước ngoài trong tình trạng bị bỏ trống hoặc cho thuê với giá giảm kịch sàn.
Dù các hạn chế đi lại ra nước ngoài ở Trung Quốc vẫn nghiêm ngặt, Yao vẫn hy vọng sớm được quay về với cuộc sống ngày trước: tự do đi du lịch, đầu tư và nghỉ hưu ở các quốc gia khác.
Đây cũng là khát vọng chung thường thấy của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sinh ra vào những năm 1970.
Theo Yao, trái với thế hệ 6-7X, ý tưởng nói trên đang giảm dần trong suy nghĩ của lớp trẻ dồi dào tài chính. Họ dốc tiền đầu tư và xây dựng sự giàu có ở ngay quê nhà.
Xây dựng sự giàu có ở quê nhà
Jay Li, chưa chạm đến mốc 30 tuổi và đang điều hành một doanh nghiệp thương mại điện tử, vừa chi 3 triệu nhân dân tệ (470.000 USD) để trang hoàng lại căn hộ 90 m2 của mình ở Quảng Châu.
“Căn hộ cao cấp, thiết kế sang trọng và BST tác phẩm nghệ thuật đương đại là những thứ xứng đáng tích lũy lâu dài hơn. Mua một nơi ở có diện tích 30 m2, tại một nước Đông Nam Á nào đó với giá 500.000-800.000 nhân dân tệ không phải là ý tưởng hấp dẫn đối với tôi”, Li bày tỏ.
|
Thế hệ 6X, 7X tại Trung Quốc thích dành tiền để mua nhà ở tại nước ngoài. Ảnh: AFP.
|
Thế hệ Millennials và Gen Z ở đất nước tỷ dân đã tích lũy được không ít tiền nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, giải trí và trò chơi điện tử trực tuyến.
Quan điểm đầu tư cũng đang thay đổi giữa người giàu ở những nhóm tuổi khác nhau.
Theo đó, nhóm người trẻ vẫn hứng thú và thích đi du lịch nước ngoài nếu hạn chế được dỡ bỏ, nhưng không còn coi trọng việc định cư, mua nhà ở các nước khác.
“Những người sinh trong thập niên 70, 80 đã được hưởng lợi từ toàn cầu hóa. Điều này đã thúc đẩy họ đa dạng hóa các hạng mục đầu tư ra nước ngoài để tăng thêm độ giàu có.
Nhưng nhóm người trẻ tuổi có tiền không còn đi theo lối nghĩ này. Họ thích tập trung vào tiêu dùng và đầu tư trong nước với suy nghĩ tài sản an toàn, dễ kiểm soát hơn ở quê hương”, Yao nói.
|
Tầng lớp trung lưu trẻ tuổi cho rằng tích lũy tài sản ngay trên quê nhà có tính an toàn và dễ kiểm soát hơn. Ảnh: WSJ.
|
Ý kiến của Yao tương tự nội dung được đề cập đến trong báo cáo về tầng lớp trung lưu mới năm 2021 của Wu Xiaobo Channel, một trong những công ty truyền thông tài chính độc lập hàng đầu Trung Quốc.
Báo cáo kết luận rằng tầng lớp trung lưu từ 40 tuổi trở lên chủ yếu phân bố tài sản ra nước ngoài và quan tâm đến nhập cư, chăm sóc y tế, chương trình hưu trí với mong muốn bảo toàn của cải.
Trong khi đó, nhóm người giàu trong độ tuổi 20-30 tập trung nhiều hơn vào giáo dục, nghề nghiệp và muốn đầu tư tài sản ở trong nước.
Thị trường hưởng lợi
Belle Liang, người điều hành Hainan Wakesurf Paradise ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam, cho biết chi tiêu trong nước của giới trẻ giàu có đã giúp việc kinh doanh ở khu vực khởi sắc.
“Hơn 50 CLB lướt sóng đã được thành lập mới ở Tam Á và Vạn Ninh kể từ tháng 7 năm ngoái. Nhóm khách hàng này bị thu hút bởi sự gia tăng của xu hướng tiêu dùng nội địa mới, chẳng hạn như bỏ tiền đi học lướt sóng và trượt tuyết.
Thế hệ trước thích khoe đã đi được đến những nước nào, trong khi Gen Z thích thảo luận về các CLB lướt sóng trong nước và những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết họ đã đến”, Liang phân tích.
|
Dòng người xếp hàng vào một trung tâm giới thiệu dự án nhà mới ở Thượng Hải vào tháng 2/2021. Ảnh: China Daily.
|
Liang cho biết du khách trẻ có thể chi 10.000-30.000 nhân dân tệ cho mỗi chuyến đi.
Gen Z chiếm khoảng 260 triệu người trong dân số Trung Quốc, với tổng mức chi tiêu rơi vào khoảng 4.000 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 13% chi tiêu hộ gia đình trên toàn quốc, theo báo cáo về thói quen tiêu dùng của Gen Z do CBN Data công bố.
Nhóm người trẻ giàu có không chỉ sẵn sàng chi tiêu hơn ở thị trường trong nước, mà ưa thích, ủng hộ nhiều thương hiệu địa phương so với các thế hệ trước.
Li Bingyue, giám đốc của một nền tảng mua sắm trực tuyến có trụ sở tại Quảng Đông, đã chứng kiến số lượng thành viên tăng lên hơn 3 triệu người kể từ khi đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên cách đây hai năm.
Hầu hết là phụ nữ trung lưu ở các thành phố hạng nhất và hạng hai.
“Quan niệm đồ nước ngoài mới chất lượng không còn in sâu, giờ đây chúng tôi nhận thấy khoảng cách về sở thích của người dùng đối với các thương hiệu trong và ngoài nước ngày càng thu hẹp”, Li nói.
“Người dùng càng trẻ tuổi, họ càng quan tâm đến việc thử các thương hiệu mới, hợp thời trang trong nước. Ví dụ ở bản thân, tôi từng đi du lịch đến Hong Kong và Nhật Bản để mua những nhu yếu phẩm cần thiết: sữa bột, bàn chải đánh răng, dầu gội đầu, vitamin. Song, giờ tôi chuyển qua hàng nội địa và những thương hiệu cao cấp. Chất lượng của chúng không hề tồi”, cô khẳng định.
Theo Hiền Thy/Zing