Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang khi cuối tuần qua, Washington và Bắc Kinh "tung đòn" áp thuế trả đũa nhau.
Theo đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế 5-10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ từ 1/9 và 15/12. Đáp trả, Mỹ sẽ áp thuế 30% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 1/10 và thuế 15% với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ ngày 1/9.
Động thái ăn miếng trả miếng của Mỹ và Trung Quốc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục xấu đi và khiến dư luận lo ngại tình trạng này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 29/8, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, hiện hai nước vẫn đang trao đổi về vấn đề nối lại đàm phán vào tháng 9 tới tại Mỹ.
"Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là hai bên cần tạo những điều kiện cần thiết để tiếp tục đàm phán chứ không phải là leo thang căng thẳng", ông Cao Phong nói.
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNBC. |
Trước tình hình hiện tại, Jin Canrong, Phó trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh và là một trong những nhà bình luận chính sách đối ngoại nổi tiếng nhất Trung Quốc, dự đoán Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được thỏa thuận trước cuối tháng 11/2019 vì áp lực từ thuế quan ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Trung Quốc.
"Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng trung cấp và cao cấp rời khỏi Trung Quốc thì điều đó sẽ làm tổn hại lớn đến tiềm năng phát triển trong tương lai của Trung Quốc", ông Jin phát biểu tại một sự kiện ở Thượng Hải.
Trong khi đó, Shen Yi, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho rằng kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không được xác định bằng cách tính xem hai nước có bao nhiêu "lá bài" để chơi, mà bằng khả năng chịu thiệt hại của mỗi bên.
Mời độc giả xem thêm video về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (Nguồn: VTV1)
Còn theo Ruan Zongze, Phó chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc thuộc Bộ Ngoại giao, các động thái leo thang của Mỹ đã khiến nhiều người ở Trung Quốc hoài nghi về việc liệu Mỹ có tôn trọng các điều khoản nếu hai bên đạt được thỏa thuận thương mại hay không.
"Nhiều người ở Trung Quốc băn khoăn 'Nếu chúng ta đạt được thỏa thuận thì thỏa thuận này có thực sự hiệu quả hay không hay sẽ duy trì được bao lâu?' Lòng tin đang dần biến mất", NPR dẫn lời chuyên gia Ruan.
Chuyên gia kinh tế về Trung Quốc Yi Xiong thuộc ngân hàng Deutsche Bank nhận định Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại "dài hơi" với Mỹ.
"Chúng tôi cho rằng Trung Quốc vừa không muốn nhanh chóng đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ vừa không muốn đáp trả Mỹ mạnh tới mức mà họ có thể. Chiến lược hiện nay của Bắc Kinh có thể mang một tầm nhìn dài và xa hơn thời gian mà chính quyền Mỹ hiện tại có thể cầm quyền", Yi Xiong nói.
Trước đó, Bắc Kinh nhiều lần khẳng định, leo thang chiến tranh thương mại không có lợi cho Trung Quốc, cho Mỹ, cũng như không đem lại lợi ích cho người dân trên toàn thế giới. Mặc dù vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán với Mỹ nhưng Bắc Kinh dường như đã sẵn sàng cho "cuộc đấu" lâu dài và có lẽ họ sẽ không dễ dàng nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại tương lai với Washington.
Thiên An (T.H)