Ngày 24/4, đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã tới nhà ga của thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga, nơi ông Kim sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay (25/4).
Trước thềm Thượng đỉnh Nga-Triều diễn ra, giới phân tích đã đưa ra những nhận định riêng về cuộc gặp đang được cả thế giới quan tâm này. Được biết, cuộc gặp diễn ra gần hai tháng sau khi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc mà hai bên không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.
|
Tổng thống Nga Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Politico. |
Bà Pak Jung, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Brookings, nhận định cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều lần này sẽ không "làm thay đổi cuộc chơi". Theo bà Pak, Chủ tịch Kim Jong-un muốn giành được sự ủng hộ của Nga, nhưng nhấn mạnh điều này sẽ không mang lại biến chuyển mạnh mẽ.
"Tôi nhận thấy chuyến thăm Nga của ông Kim tuần này chỉ là sự tiếp nối những gì mà ông ấy đã làm trong năm qua, nhằm tận dụng các mối quan hệ song phương và cuộc gặp thượng đỉnh để gây chia rẽ giữa các đối tác khu vực và với Mỹ. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều chỉ mang tính biểu tượng và tôi nghĩ nó sẽ không khiến chính quyền Tổng thống Trump cảnh giác về những gì đang diễn ra", Korea Herald dẫn lời bà Pak.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng chỉ ra những lợi ích mà hai bên có thể đạt được từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Triều này.
Theo ông David Maxwell, chuyên gia cấp cao về Triều Tiên và Đông Á của Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (FDD) tại thủ đô Washington (Mỹ), một cuộc gặp tiếp theo với nhà lãnh đạo thế giới, sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 hồi tháng 2/2019, sẽ tiếp tục nâng cao hình ảnh và vị thế của Chủ tịch Kim Jong-un, đồng thời giúp ông Kim “tỏa sáng” trên sân khấu chính trị quốc tế.
"Chủ tịch Kim nghĩ rằng Tổng thống Putin sẽ ủng hộ các mục tiêu của ông ấy", ABC News dẫn lời ông David.
Giới phân tích cũng cho rằng, thông qua cuộc gặp, ông Kim Jong-un muốn thể hiện cho thế giới biết rằng ông còn có những "người bạn" ngoài Trung Quốc.
“Chủ tịch Kim Jong-un có thể đang tìm cách cho Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thấy mối quan hệ mới được thắt chặt với Nga”, Lee Jai-chun, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Nga, bình luận.
Hơn nữa, mối quan hệ thắt chặt hơn với Moscow giúp Triều Tiên có thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân.
Mời độc giả xem video: Đoàn tàu chở Chủ tịch Kim Jong-un tới Nga dự Thượng đỉnh Nga-Triều (Nguồn: Youtube)
Còn Artyom Lukin, Giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở thành phố Vladivostok dự đoán, tại cuộc gặp, ông Kim sẽ đề cập đến vấn đề nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, Moscow khó có khả năng chấp thuận đề nghị đó, bởi việc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Putin có thể hứa với ông Kim Jong-un rằng Moscow sẽ không ủng hộ Liên Hợp Quốc áp đặt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng.
Về phía Nga, cuộc gặp với Chủ tịch Kim Jong-un sẽ là lời nhắn nhủ tới các quốc gia khác về vị thế của Moscow trong khu vực.
“Lợi ích chính của Nga tại hội nghị thượng đỉnh lần này là nhằm nhắc nhở các quốc gia khác rằng Nga vẫn tồn tại và vẫn có nhiều tiềm năng về kinh tế cũng như chính trị trong khu vực”, ông Andrei Lankov đến từ Đại học Kookmin ở Seoul (Hàn Quốc) nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia Konstantin Asmolov tại Viện Viễn Đông có trụ sở ở Moscow cho rằng, thật vô ích khi kỳ vọng đạt được bất cứ bước đột phá thực tế nào tại Thượng đỉnh Nga - Triều này.
“Sẽ có những tuyên bố và hứa hẹn. Họ cũng sẽ ký tuyên bố chung nhằm tăng kim ngạch thương mại lên gấp 10 lần trong 5 năm, nhưng chỉ sau 2 năm, họ sẽ quên điều đó”, Japan Times dẫn nhận định của ông Lankov.
Thiên An (T.H)