Theo khảo sát mới nhất của Liên đoàn các Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, tình trạng giáo viên nước này bị học sinh bắt nạt, bạo hành đang ngày càng nghiêm trọng hơn, Chosun Ilbo đưa tin.
Dựa trên khảo sát thực hiện với 8.655 giáo viên trên toàn quốc, 61,3% cho biết bị học trò bắt nạt bằng lời nói hoặc gây rối trong lớp học với tần suất hơn 5 lần/tuần. Khoảng 36,3% cho biết họ bị lạm dụng 2 lần/ngày.
|
Không chỉ giữa học sinh với nhau, thầy cô ở xứ kim chi cũng là nạn nhân của bạo lực học đường. Ảnh: Korea Times.
|
Các vấn đề lớn nhất mà thầy cô gặp phải với học sinh là nói chuyện, gây ầm ĩ (26,8%), ngôn ngữ xúc phạm (22,8%), rời khỏi lớp mà không được phép (12,7%) và lạm dụng thể chất (6,4%).
Quy định hiện hành cho phép nhà trường chuyển trường hoặc đuổi học những học sinh hành hung giáo viên hoặc vi phạm nghiêm trọng các quyền của giáo viên. Song, trên thực tế, các trường học có rất ít biện pháp để bảo vệ giáo viên và ngăn chặn tình trạng này.
Khó khăn lớn nhất mà những người đi dạy phải đối mặt là thiếu quyền hạn cần thiết để kỷ luật học sinh, với phần đông người tham gia khảo sát nhấn mạnh vào điều này. Số khác cho biết họ vẫn phải tiếp tục giảng dạy dù bị bắt nạt.
Trước đó, vào năm 2018, một báo cáo khác từng ghi nhận ngày càng nhiều học sinh tiểu học có hành động tấn công giáo viên của mình.
|
Thầy, cô ở Hàn Quốc cho biết họ thiếu quyền hạn cần thiết để kỷ luật học sinh trong trường hợp bị các em bạo hành. Ảnh: YNA.
|
Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, các trường hợp lạm dụng do học sinh tiểu học gây ra được báo cáo đã tăng từ con số 58 vào năm 2013 lên 167 vào năm 2017. Đồng thời, các trường hợp lạm dụng giáo viên của học sinh trung học cơ sở giảm từ 2.937 xuống 1.008 và của học sinh trung học phổ thông từ 2.567 xuống 1.391.
Số vụ tấn công vật lý được báo cáo nhằm vào giáo viên ở các trường tiểu học đã tăng gấp 6 lần, từ 6 lên 36 trong 5 năm, so với 34 vụ của học sinh trung học vào năm 2017. Các vụ tấn công bằng lời nói cũng tăng hơn gấp đôi, từ 19 lên 40.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ sự gia tăng tầm vóc thể chất của trẻ em và việc tiếp xúc sớm với nội dung bạo lực và khiêu khích trên Internet.
Lee Ho-joong, làm việc tại Liên đoàn các Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc, cho biết: "Ngay cả học sinh tiểu học ngày nay cũng sử dụng điện thoại thông minh. Điều này khiến các em tiếp xúc với ngôn ngữ thô tục và bạo lực ngay từ khi còn nhỏ."
Theo Hiền Thy/Zing.vn