Hôm qua (2/9), các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) nhất trí thực hiện kế hoạch áp mức trần giá đối với dầu thô và sản phẩm dầu mỏ của Nga.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua tuyên bố, Nga sẽ chấm dứt việc bán dầu cho những quốc gia áp giá trần đối với nguồn năng lượng của Nga. Theo ông Peskov, việc áp giá trần sẽ dẫn tới tình trạng bất ổn đáng kể đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu và người dân tại các nước phương Tây chính là những người gánh chịu hậu quả. “Phó Thủ tướng Alexander Novak đã tuyên bố rõ ràng và dứt khoát rằng những quốc gia nào tham gia vào mức giá "trần" tiềm năng sẽ không nằm trong số những quốc gia nhận dầu của Nga. Đơn giản là chúng tôi sẽ không hợp tác với họ về dầu lửa theo các nguyên tắc phi thị trường như vậy”.
Những phản ứng của Nga đưa ra sau khi các Bộ trưởng Tài chính G7 tuyên bố đang hoàn tất các biện pháp, tiến tới áp giá trần dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế của Nga. Nhóm G7 đồng thời hối thúc tất cả các nước định nhập khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga cam kết áp dụng mức giá này hoặc thấp hơn. Mức giá trần ban đầu sẽ dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và sẽ thường xuyên được điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, tuyên bố không tiết lộ mức giá cụ thể là bao nhiêu.
Theo tuyên bố, G7 đặt mục tiêu triển khai biện pháp này theo cùng lộ trình với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.
Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner nói: “Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đe dọa an ninh lương thực và năng lượng trên toàn cầu. Đồng thời, Nga đang hưởng lợi kinh tế từ những bất ổn liên quan đến xung đột trên thị trường năng lượng. Nga hiện đang kiếm được lợi nhuận cao từ việc xuất khẩu các nguyên liệu thô như dầu mỏ và chúng tôi muốn chống lại điều này một cách dứt khoát. EU đã quyết định chấm dứt nhập khẩu dầu trong gói trừng phạt thứ sáu. Và chúng tôi không muốn Nga tiếp tục thu lợi từ việc mua bán này”.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã hoan nghênh kế hoạch của G7, đồng thời kêu gọi nhanh chóng triển khai biện pháp này nhằm giúp hạ nhiệt giá năng lượng và lạm phát. Cùng chung quan điểm này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng việc áp giá trần sẽ giúp giảm áp lực đối với giá năng lượng toàn cầu.
Theo Cơ quan năng lượng quốc tế, trước khi xung đột tại Ukraine bùng phát, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu thô và các sản phẩm xăng dầu xuất khẩu của Nga. Trong năm ngoái, các nước EU mỗi ngày nhập khẩu 2,2 triệu thùng dầu thô, 1,2 triệu thùng sản phẩm hóa dầu và 0,5 triệu thùng dầu diesel, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn nhất.
Mặt khác, các nước phương Tây đang cố gắng lật ngược thế cờ, lấy việc phụ thuộc phần lớn vào khí đốt Nga để trở thành lợi thế mặc cả. Mục tiêu của họ là siết chặt lợi nhuận của Nga từ việc bán dầu mỏ và khí đốt, vốn được cho là đang đổ vào chiến dịch quân sự ở Ukraine. Giới hoạch định chính sách phương Tây dường như tin rằng bằng việc áp giá trần khí đốt và dầu mỏ của Nga, Moscow hoặc sẽ phải chấp nhận bán và thu được một phần tiền hoặc sẽ không thu được gì cả./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1