Bất chấp những nỗ lực phối hợp của quân đội Nga trong tuần này nhằm vô hiệu hóa mạng lưới đường sắt quan trọng của Ukraine, hành trình kể trên và hàng chục cuộc hành trình khác mỗi ngày đang cung cấp cho Ukraine một phương tiện quan trọng hỗ trợ quân sự và thoát hiểm dân sự xuyên suốt đất nước.
|
Mạng lưới đường sắt Ukraine vẫn kiên cường hoạt động trong chiến tranh. Ảnh: AP |
Ukraine có một trong những mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, với gần 20.000km đường. Đường sắt là một trong những ngành sử dụng nhiều nhân lực nhất của đất nước, với trên 260.000 nhân viên.
Trước chiến tranh, đường sắt đóng một vai trò tương đối nhỏ trong nông nghiệp và ngành công nghiệp khai khoáng của Ukraine, nhưng nó đã trở thành điểm tựa cho các ngành công nghiệp hàng hóa khi Nga phong tỏa Biển Đen. Hoạt động của các con tàu trong thương mại ngũ cốc hiện nay là điều cần thiết để duy trì danh tiếng Ukraine như là “giỏ bánh mì của châu Âu”.
Nhưng các chuyến tàu không còn chỉ dành cho hàng hóa và những chuyến đi dài nữa, vì mạng lưới này giờ đây còn đảm nhận vận chuyển vũ khí quân sự, người tị nạn và viện trợ nhân đạo. Các chuyến tàu cũng đang ngày càng vận chuyển nhiều gia đình trở lại các khu vực trước đây do quân đội Nga kiểm soát.
Nó cũng đưa các nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đến thăm Kyiv hôm 24/4 bằng tàu hỏa từ Ba Lan, cũng như một loạt nguyên thủ và quan chức phương Tây khác.
Đường sắt đóng một vai trò quan trọng đối với cả hai bên trong cuộc chiến. Theo các chuyên gia, Nga đã không thể sử dụng đầy đủ các tuyến đường sắt trong giai đoạn đầu của chiến dịch, dẫn đến các vấn đề hậu cần và hình ảnh những chiếc xe tải của Nga bị mắc kẹt trong bùn đất mùa xuân.
Emily Ferris, chuyên gia về Nga tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia, một tổ chức tư vấn ở London, cho biết: “Các tuyến đường sắt đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc xung đột cho đến nay, đó là cách lực lượng mặt đất cơ giới của Nga di chuyển quân đội của họ. Tất cả những vấn đề mà họ gặp phải ở miền bắc [Ukraine] là do họ không thể kiểm soát các trung tâm hậu cần”.
Ông Oleksandr Pertsovskyi, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh chở khách của Đường sắt Ukraine cho biết, giai đoạn đầu các lực lượng Nga đã ngừng nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng đường sắt ở Ukraine với hy vọng họ sẽ kiểm soát được nó. Ông nói: “Quân đội Nga phụ thuộc nhiều vào hậu cần đường sắt và một trong những lý do khiến họ hoạt động kém hiệu quả là do không có các đường cung cấp đáng tin cậy vào lúc này”.
Tuy nhiên, dường như không thể kiểm soát mạng lưới đường sắt, Nga hiện đang có ý định tìm cách vô hiệu hóa nó.
“Hai tuần trở lại đây, có vẻ như ngày càng có nhiều cuộc tấn công có chủ ý vào cơ sở hạ tầng đường sắt”, ông Pertsovskyi nói.
Cơ quan quản lý đường sắt Ukraine cho biết tên lửa đã dội xuống 5 ga xe lửa của Ukraine và các trung tâm đường sắt trong khu vực vào đêm 23/4, chủ yếu ở các khu vực phía tây và trung tâm, khiến một nhân viên đường sắt thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng các cuộc tấn công của họ vào ga đường sắt được thiết kế để ngăn chặn việc vận chuyển "vũ khí và thiết bị quân sự nước ngoài" cho quân đội Ukraine ở khu vực Donbas ở phía đông.
Ở đó, các lực lượng Nga hiện đang tập trung cho trận chiến quan trọng ở miền đông Ukraine, có thể được quyết định bởi khả năng huy động thiết bị và vũ khí của Kyiv. Phần lớn những thiết bị, vũ khí đó đang được các đồng minh gửi đến để hỗ trợ thế trận phòng thủ bằng đường bộ và đường sắt.
Tướng Philip Breedlove, một tướng Không quân 4 sao Mỹ đã nghỉ hưu và là một cựu tư lệnh đồng minh tối cao của NATO, nói qua điện thoại từ Florida cho biết, Nga muốn ngăn chặn viện trợ quân sự từ các nước phương Tây đang bắt đầu tiếp tế mạnh cho người Ukraine.
Các chuyên gia khác đồng ý rằng những cuộc không kích vào các mục tiêu đường sắt báo hiệu rằng cuộc xung đột đã bước sang một giai đoạn mới nguy hiểm.
Cho đến nay, mỗi khi các tuyến đường sắt Ukraine bị hư hỏng, nó vẫn tiếp tục được sửa chữa. Trong một số trường hợp, các tuyến tàu bị hư hỏng có thể được sửa trong vài giờ. Ông Pertsovskyi cho biết: “Các cầu bị phá hủy hoặc bị hư hỏng khó giải quyết hơn, nhưng điểm mấu chốt là mặc dù các cuộc tấn công diễn ra liên tục và ngày càng gia tăng, chúng tôi vẫn có thể vận hành mạng lưới”.
Ông nói, trên thực tế, việc phá hủy cơ sở hạ tầng đường sắt của Ukraine là “một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi vì hệ thống này khá đáng tin cậy”.
Vào tháng 3, người đứng đầu mạng lưới đường sắt Ukraine cho biết tuyến đường sắt từ Belarus đến Ukraine đã bị cắt đứt, khiến các lực lượng Nga phụ thuộc nhiều hơn vào số lượng xe tải hạn chế của họ, vốn là mục tiêu chính cho các cuộc tấn công phục kích quy mô nhỏ.
Chuyên gia Ferris nói: “Kiểm soát đường sắt là chìa khóa quan trọng ở đây. Người Ukraine biết điều đó, khi thấy Nga tiến vào một số thành phố và làng mạc, họ tìm cách đánh bom những thứ như cầu và cắt đứt các kết nối đường sắt để ngăn chặn người Nga.”
Bước tiếp theo trong kế hoạch của Nga nhằm tạo ra một hành lang xuyên qua phía nam của Ukraine được dự đoán là kiểm soát cảng Odesa ở Biển Đen. Một cây cầu nối khu vực này với phần còn lại của Ukraine và nước láng giềng Romania đã bị pháo kích hai lần trong tuần này trong một nỗ lực có thể nhằm cắt đứt nó khỏi nguồn tiếp tế quân sự.
Theo Thu Hằng/Báo Tin tức