Tỷ phú Jeff Bezos luôn nhắc nhở bản thân rằng, thành công hiện tại không đảm bảo tiếp tục thành công trong tương lai. Nếu không đổi mới, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau. Chính vì vậy, thay vì tự bằng lòng với chính mình, ông luôn sáng tạo không ngừng, nghĩ tới những điều lớn lao tiếp theo để phát triển sự nghiệp.
Tỷ phú giàu nhất thế giới 4 năm liên tiếp
Sinh năm 1964 (Giáp Thìn) tại New Mexico (Mỹ), Jeff Bezos đam mê máy tính từ rất sớm. Ông theo học ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật Điện tử tại Đại học Princeton. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc ở phố Wall. Năm 1990, Jeff Bezos trở thành Phó chủ tịch cấp cao trẻ nhất của Công ty Đầu tư DE Shaw.
Bốn năm sau, Bezos từ bỏ công việc nhiều người mơ ước để mở Amazon.com, một hiệu sách trực tuyến mà sau này phát triển thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất hành tinh. Ông thành lập Blue Origin năm 2000 và năm 2013 thì mua The Washington Post. Năm 2017, Amazon mua lại Whole Foods. Những dự án kinh doanh thành công liên tiếp đưa Jeff Bezos trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.
Theo Forbes, tính đến ngày 4/1/2024, tỷ phú Jeff Bezos sở hữu khối tài sản trị giá 174,2 tỷ USD, trở thành người giàu thứ ba thế giới. Trước đó, trong 4 năm liên tiếp (từ 2018 đến 2021), ông liên tục đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất hành tinh.
|
Tỷ phú Jeff Bezos là người giàu nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp (2018 - 2021). |
Ông chủ Amazon hiện nắm trong tay hàng loạt bất động sản rải khắp nước Mỹ, từ Washington D.C, Beverly Hills đến Hawaii và gần đây là "đảo tỷ phú" ở Miami. Báo cáo đất đai năm 2022 của Mỹ cho thấy, tỷ phú Jeff Bezos là chủ đất lớn thứ 24 ở Mỹ, với ít nhất gần 170.000 ha do ông đứng tên.
Chưa hết, siêu du thuyền Koru trị giá 500 triệu USD được ví như "dinh thự nổi" với những tiện ích xa hoa, từ hồ bơi, nhà hát, đến spa, phòng gym,... cũng thuộc sở hữu của vị doanh nhân này.
Biến hiệu sách trực tuyến thành "đế chế" nghìn tỷ USD
Dấu mốc không thể quên trong cuộc đời Bezos có lẽ là ngày 16/7/1995, ông chính thức mở cửa hàng sách trực tuyến Amazon.com và đạt được thành công ban đầu ngoài mong đợi. Không cần quảng cáo trên báo chí, trong 30 ngày, Amazon.com bán sách trên khắp nước Mỹ và 45 quốc gia khác. Trong hai tháng, doanh thu đạt 20.000 USD/tuần, tăng nhanh hơn những gì Bezos và nhóm khởi nghiệp của ông dự tính.
Năm 1997, Amazon lần đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng. Nhiều chuyên gia phân tích thị trường khi đó hoài nghi liệu công ty có thể đứng vững khi các nhà bán lẻ truyền thống tung ra trang thương mại điện tử của riêng họ hay không. Hai năm sau, startup này không những theo kịp mà còn vượt xa các đối thủ, trở thành người dẫn đầu về thương mại điện tử.
Bezos tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ của Amazon bằng việc bán đĩa CD và video năm 1998, sau đó là quần áo, đồ điện tử, đồ chơi,... thông qua các quan hệ đối tác bán lẻ lớn. Trong khi nhiều công ty dot.com đầu thập niên 90 phá sản, Amazon lại phát triển mạnh mẽ với doanh thu tăng từ 510.000 USD năm 1995 lên hơn 17 tỷ USD năm 2011.
Đến tháng 9/2018, Amazon được định giá hơn 1.000 tỷ USD, là công ty thứ hai từng đạt kỷ lục đó, chỉ sau Apple vài tuần.
|
Jeff Bezos đưa Amazon từ hiệu sách trực tuyến đến “đế chế” nghìn tỷ. |
Có thể thấy, thành công của Amazon không chỉ ở mảng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử, mà còn trong lĩnh vực điện toán đám mây, báo chí, phim ảnh, vũ trụ...
Năm 2006, Amazon ra mắt dịch vụ video theo yêu cầu. Ban đầu, nó được gọi là Amazon Unbox trên TiVo, cuối cùng được đổi tên thành Amazon Instant Video. Tiếp đến, năm 2007, Amazon phát hành Kindle, thiết bị đọc sách kỹ thuật số cầm tay cho phép người dùng mua, tải xuống, đọc và lưu trữ lựa chọn sách của mình.
Amazon cũng gia nhập thị trường máy tính bảng với việc ra mắt Kindle Fire năm 2011. Tháng 9/2012, ông cho ra mắt Kindle Fire HD mới, một máy tính bảng thế hệ tiếp theo của công ty được thiết kế để cạnh tranh với iPad của Apple. “Chúng tôi đã tạo ra chiếc máy tính bảng tốt nhất ở bất kỳ mức giá nào”, Bezos nói với ABC News.
Năm 2013, "ông vua thương mại điện tử" công chiếu một số chương trình với sự ra mắt của Amazon Studios. Công ty đạt thành công vang dội năm 2014 với bộ phim “Transparent và Mozart in the Jungle”, được giới phê bình đánh giá cao.
Đầu năm 2018, The Seattle Times đưa tin Amazon hợp nhất hoạt động bán lẻ tiêu dùng của mình để tập trung các lĩnh vực đang phát triển, bao gồm giải trí kỹ thuật số và Alexa, trợ lý ảo của Amazon.
Ngày 5/7/2021, Jeff Bezos chính thức rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành của Amazon, tuy nhiên vẫn giữ vai trò chủ chốt với tư cách là Chủ tịch điều hành của "đế chế" nghìn tỷ này.
Suốt 27 năm "trị vì" Amazon, Jeff Bezos khiến thế giới phải công nhận và thán phục khả năng kinh doanh, cũng như tầm nhìn của ông khi đưa công ty từ một hiệu sách trực tuyến trở thành tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất hành tinh.
Triết lý định hình cuộc sống "ông vua" thương mại điện tử
Thành công không tự nhiên đến mà là kết quả của cả quá trình và nhiều yếu tố. Đối với Jeff Bezos cũng vậy, ông đúc rút cho bản thân rất nhiều bài học và kinh nghiệm để có được chỗ đứng vững chắc trên thương trường như hôm nay.
Một điều mà chúng ta có thể học từ Jeff Bezos là quy tắc kinh doanh của ông. Ngay cả khi đã xây dựng một công ty lớn và thành công như Amazon, Bezos vẫn luôn nỗ lực cải tiến, đổi mới và thích ứng với hoàn cảnh luôn thay đổi của công nghệ hiện đại. Ông cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tìm kiếm cơ hội.
|
Tỷ phú Bezos trong chuyến thăm Công ty Vũ trụ Blue Origin. |
Đối với người sáng lập Amazon, sự hài lòng của khách hàng chính là nền tảng và đặc điểm quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của ông. Jeff Bezos từng nhấn mạnh, mục tiêu của công ty là lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung một cách tối đa vào khách hàng và mang lại cho họ trải nghiệm dịch vụ sản phẩm tốt nhất.
Bên cạnh đó, vị tỷ phú sinh năm Giáp Thìn luôn nhắc nhở bản thân rằng, chìa khóa để duy trì một doanh nghiệp là đưa ra “những quyết định nhanh chóng và hiệu quả”.
Nhà từ thiện và nỗ lực chống biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, kể từ khi thôi giữ chức Giám đốc điều hành Amazon, tỷ phú Bezos ngày càng tích cực hơn trong hoạt động từ thiện. Tháng 11/2022, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại nhà riêng ở Washington D.C, ông chia sẻ kế hoạch cho đi phần lớn tài sản của mình và đang cùng bạn gái - nhà báo, nhà từ thiện Lauren Sanchez - xây dựng năng lực để có thể cho đi số tiền này.
Khi đó, tỷ phú Jeff Bezos không nói rõ cho bao nhiêu, nhưng phần lớn tài sản của ông sẽ được dành cho việc chống biến đổi khí hậu và hỗ trợ người có thể thống nhất nhân loại khi đối mặt sự chia rẽ chính trị và xã hội sâu sắc.
Bốn năm trước, ngày 17/2/2020, Bezos thông báo sẽ thành lập Quỹ Trái đất Bezos để chống lại tác động tàn khốc tiềm tàng của biến đổi khí hậu. Cùng việc cam kết 10 tỷ USD cho sáng kiến này, vị tỷ phú cho biết sẽ bắt đầu cấp những khoản tài trợ cho “các nhà khoa học, nhà hoạt động, tổ chức phi chính phủ, những cá nhân, tổ chức có khả năng thực sự giúp bảo tồn và bảo vệ thế giới tự nhiên”.
CEO Amazon cũng đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện khác, bao gồm tài trợ cho nghiên cứu ung thư, hỗ trợ bình đẳng hôn nhân, cấp học bổng cho di dân...
Đáng chú ý, năm 2018, Bezos và vợ khi đó là MacKenzie Scott thành lập Quỹ Bezos Day One, tập trung tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận hiện có để giúp đỡ gia đình vô gia cư và tạo ra một mạng lưới các trường mầm non cấp một mới, phi lợi nhuận trong cộng đồng thu nhập thấp. Ông cam kết chi 2 tỷ USD lập quỹ từ thiện và sẽ mở rộng nguồn tài chính cho quỹ này.
Năm 2017, tỷ phú Bezos quyên góp 33 triệu USD cho Quỹ giáo dục "Ước mơ" dành cho trẻ nhỏ là con của người nhập cư đang phải đối mặt trở ngại pháp lý khi muốn đến trường. Ông cũng từng góp quỹ cho nghiên cứu chữa trị ung thư và trường học cũ của mình là Đại học Princeton...
Thiên An