Suốt nhiều mùa World Cup, FIFA lần nào cũng phát ra những thông báo dài sọc về việc bảo vệ các nhãn hàng sản xuất thể thao. Và càng ngày, cuộc chiến chống hàng giả của họ càng quy mô. Thế nào là một món hàng nhái hoặc giả?
Theo định nghĩa của FIFA, mọi mặt hàng có in một chút logo các nhãn hàng chính thức của FIFA, hoặc tên của FIFA World Cup 2018, tất cả đều được xem là hàng giả.
|
Bên trong một cửa hàng bán đồ chính thức của FIFA ở Moscow - Ảnh: FIFA. |
"Đối với World Cup 2018, FIFA đã hợp tác với hải quan trên toàn thế giới để chống lại các sản phẩm giả mạo. FIFA sẽ tiến hành mọi biện pháp pháp lý để ngăn chặn việc sử dụng hàng giả" - trang chủ của FIFA thông báo. Hình phạt dành cho việc sản xuất lẫn tiêu thụ hàng giả hiển nhiên sẽ rất nặng.
Hãy nghe một câu chuyện điển hình diễn ra một tuần trước ngày khai mạc World Cup để biết cuộc chiến chống hàng giả trên đất Nga hè này "nóng" đến thế nào.
Một người phụ nữ tên Irina Zingarova bị bắt và đối mặt với án tù 2 năm vì đã may những chú sói linh vật nhồi bông Zabivaka để bán. Số lượng mặt hàng Zingarova làm ra là… 3 con.
Zingarova sau đó khai báo rằng cô nhận được lời đề nghị từ một sĩ quan cảnh sát bí ẩn trên mạng xã hội.
Trước đó, Zingarova tự may một chú sói nhồi bông và đăng tải nó lên mạng xã hội để khoe. Sau đó, một tài khoản khác đã đặt hàng cô may 3 chú sói.
Nhưng rồi vụ việc bị lộ và các cảnh sát đã bắt giữ Zingarova ngay lập tức. Sau khi đã khai báo mọi chuyện, người phụ nữ 49 tuổi này sẽ phải ra tòa và chờ đợi án phạt dành cho mình.
|
Sạp bán quần áo của chị Yến ở chợ Liublino không có một món đồ thể thao nào - Ảnh: H.Đ |
"Họ kiên quyết muốn đưa vụ việc ra tòa. Nó giống như một vụ săn lùng phù thủy thời Trung Cổ vậy, họ muốn thực hiện một án phạt để răn đe thông qua trường hợp của tôi", Moscow Times dẫn lời Zingarova.
Trước thềm World Cup 2018, cảnh sát toàn thế giới đã tiến hàng hàng loạt vụ bắt giữ, đình chỉ hoạt động những cơ sở sản xuất các món hàng nhái.
Hồi tháng 4, 20.000 cuốn sách in những sticker World Cup 2018 đã bị tịch thu ở Peru. Tổng giá trị của số hàng này lên đến 350.000 euro và đang được chuyển qua châu Âu để tiêu thụ.
Ngay tại nước Nga thì sao? Thật ra, thông qua câu chuyện của Zingarova, có thể thấy cảnh sát Nga ráo riết thế nào trong việc chống hàng giả.
Hơn một tuần đầu tiên tác nghiệp tại Moscow và Petersburg, tôi chưa bắt gặp những món hàng nhái, hàng giả.
Trong các tiệm đồ lưu niệm, đa phần các vật phẩm có liên quan đến bóng đá chỉ in những dòng chữ như "Welcome to Russia" hay "World Cup 2018".
Còn những chiếc áo thun, mũ nón, móc khóa, sticker, miếng dán tủ lạnh… có in nhãn mác của FIFA, tất cả đều nằm trong khu bán đồ chính thức của ban tổ chức World Cup.
Các cửa tiệm như vậy có khá nhiều trên các con phố ở Moscow, và dễ dàng tìm thấy nhất trong sân vận động cùng các Fan Fest.
Ngay cả ở những khu chợ cũng không có, dù chợ ở Nga được ví như những hang ổ của tội phạm và tệ nạn.
Chị Yến, một chủ sạp quần áo người Việt ở khu chợ Liublino (Moscow) cho biết: "Chẳng ai dám bán đồ thể thao ở đây nữa đâu. Chỉ cần có một chiếc áo in một chút nhãn mác FIFA thôi là họ phạt rất nặng ngay. Tháng trước, ở đây có đến mấy sạp bị bắt rồi".
|
Bên trong một cửa hàng bán đồ chính thức của FIFA ở Moscow - Ảnh: FIFA |
Thực sự, đi dạo khắp hàng ngàn sạp đồ ở chợ Liublino, tôi không thấy bất kỳ một chiếc áo thể thao nào. Để chắc ăn, các thương lái không bán cả đồ thể thao. Kể cả trong một khu chợ trời khó quản lý như Liublino, các nhà chức trách vẫn tỏ ra mạnh tay.
Phạt 1,5 triệu rúp (khoảng 25.000 USD) và bị đóng cửa 3 tháng đó".
Cảnh sát Nga cho thấy họ rất cứng rắn trong các chiến dịch càn quét, mà vụ đóng cửa khu chợ Vòm nổi tiếng cách đây 9 năm là minh chứng.
"Đừng đùa với cảnh sát Nga", các người quen ở đây đều căn dặn tôi như vậy trong việc tuân thủ những luật lệ mùa World Cup. Và nếu muốn mua đồ lưu niệm World Cup mà không gặp rắc rối gì, tốt nhất cứ vào những cửa hàng của FIFA.
|
Chú sói linh vật do Zingarova tự tay may - Ảnh: Moscow Times |
Bán vé giả cũng chung số phận
Luật chống lại hàng giả, hàng nhái cũng được áp dụng dành cho việc bán vé giả hoặc bán lại vé ở World Cup 2018.
Theo đó, hình phạt dành cho việc bán vé giả là phạt 1,5 triệu rúp và cấm hoạt động buôn bán trong 90 ngày.
Mua vé chính thức rồi bán lại cũng bị phạt nặng. Nếu là công ty, họ sẽ bị phạt từ 500.000-1 triệu rúp.
Còn nếu là cá nhân, người bán sẽ bị phạt 25% giá trị tấm vé, nhưng không ít hơn 50.000 rúp.
Theo Huy Đăng/Tuổi Trẻ