Phản ứng phải kể đến đầu tiên là của Palestine, nước trực tiếp chịu tác động của tuyên bố này. Ngay tuyên bố của Tổng thống Trump được phát đi, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định, tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đồng nghĩa với việc chính quyền Mỹ chính thức rút khỏi tiến trình đàm phán hòa bình Israel và Palestine, làm xói mòn mọi nỗ lực trong hàng thập kỷ qua.
|
Người Palestine ở Gaza xuống đường biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/Getty. |
Quyết định này vi phạm tất cả các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương, đồng thời khuyến khích chính sách chiếm đóng, mở rộng các khu định cư và phân biệt chủng tộc của Israel. Quyết định cũng sẽ tạo cho các nhóm cực đoan tìm cách biến cuộc xung đột trong khu vực thành cuộc chiến tranh tôn giáo.
Chính quyền Palestine đang xây dựng các biện pháp thích hợp để đối phó với chính quyền Mỹ và khẳng định quyết định này sẽ không làm thay đổi thực tại của Jerusalem. Jerusalem là một thành phố của Cơ đốc giáo, Hồi giáo và thủ đô vĩnh cửu của Palestine.
Ông Mahmoud Abbas nhấn mạnh thời khắc lịch sử này sẽ càng thúc đẩy và tăng cường nỗ lực đoàn kết dân tộc Palestine chiến thắng trong cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập.
Tại Bờ Tây và dải Gaza, người dân Palestine đã xuống đường phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ trong sự giận giữ. Nhiều người đã trút sự tức giận lên cảnh sát Israel ở Đông Jerusalem. Các cuộc đụng độ đã xảy ra ở quanh khu vực Jerusalem.
Phong trào Hamas – một phong trào vũ trang đang kiểm soát dải Gaza nói rằng quyết định của Mỹ “mở cửa địa ngục” cho các lợi ích của Mỹ ở khu vực, kêu gọi các nước Arab, Hồi giáo cắt đứt quan hệ kinh tế, chính trị với Mỹ, cũng như trục xuất các đại sứ Mỹ để làm tê liệt quyết định này. Trong khi đó Tổ chức Giải phóng Palestine PLO thì cho rằng hành động này sẽ làm bùng phát cuộc chiến tranh tôn giáo.
Các nước trong khu vực ngay lập tức cũng đã có phản ứng. Ai Cập lên án quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của Tổng thống Mỹ. Bộ Ngoại giao Ai Cập cho rằng quyết định đơn phương của Mỹ trái với nghị quyết của Liên Hợp Quốc và tính hợp pháp quốc tế cũng như không thể thay đổi tư cách pháp lý của Jerusalem. Ai Cập kêu gọi tôn trọng hiện trạng Jerusalem.
Morocco đã triệu đại diện ngoại giao Mỹ để phản đối và cho rằng quyết định của Mỹ sẽ tạo ra làn sóng lên án và giận giữ trên khắp thế giới.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lên án tuyên bố của Tổng thống Mỹ và gọi đây là tuyên bố vô trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi ông Donald Trump xem xét lại quyết định sai lầm này.
Iran cũng lên án tuyên bố của Mỹ và cho rằng Mỹ đang cố gắng gây bất ổn cho khu vực, bắt đầu một cuộc chiến tranh để bảo vệ an ninh của Israel.
Qatar cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của quyết định này sẽ làm cho khu vực Trung Đông phức tạp hơn. Jordan cũng phản đối quyết định của Mỹ và coi "tất cả các động thái đơn phương này là không có hiệu lực”.
Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo dự kiến sẽ họp khẩn để thảo luận về các biện pháp nhằm đáp lại quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Cuộc họp ở cấp Ngoại trưởng Arab sẽ tổ chức vào ngày 10/12 tới tại Cairo. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo cũng sẽ nhóm họp ở Istanbul vào ngày 13/12 nhằm "phối hợp phản ứng" với quyết định của Mỹ đối với Jerusalem.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ và gọi đây là quyết định lịch sử, đồng thời kêu gọi thế giới chấp thuận quyết định này. Thủ tướng Israel kêu gọi các nước khác chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem.
Hậu quả khó lường
Các nhà nghiên cứu và phân tích khu vực cho rằng khó lường hết hậu quả nghiêm trọng của tuyên bố này. Bởi khu vực Trung Đông vẫn luôn là tâm điểm nóng trên thế giới với các cuộc xung đột, giao tranh phe phái, sắc tộc, tôn giáo cũng như tâm điểm của các vụ tấn công khủng bố.
Palestine cho rằng quyết định này của Tổng thống Mỹ sẽ chôn vùi “thỏa thuận thế kỷ” của ông Donald Trump. Như vậy có thể nói các nỗ lực của cộng đồng quốc tế đối với tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như của chính quyền Mỹ trong suốt hàng thập kỷ qua đã đổ vỡ.
Các nhà phân tích cũng nhận định, quyết định của Tổng thống Mỹ sẽ gây căng thẳng trong khu vực, gây ra sự tức giận của tất cả người Hồi giáo, người Arab và thúc đẩy chia rẽ, hận thù trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của Mỹ đã động chạm tới vấn đề nhạy cảm nhất đó là tôn giáo với khoảng 1,5 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Có thể người Hồi giáo trên toàn thế giới sẽ khởi xướng một làn sóng rất lớn chống lại người Mỹ, cũng như các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.
Đối với khu vực Trung Đông, quan hệ và niềm tin của các nước đồng minh Arab với Mỹ chắc chắn sẽ giảm sút. Đó là chưa kể vấn đề vượt tầm kiểm soát của các nhà lãnh đạo Arab. Theo các nhà phân tích, tình hình khu vực vốn đang nóng sẽ càng nóng và phức tạp hơn với những diễn biến khó lường, nhất là ở Syria, Yemen, Iraq nơi mà Mỹ có sự hiện diện quân sự cũng như can dự vào cuộc chiến ở đây.