"Tôi đồng ý làm theo họ vì quá sợ hãi", cô Zhou, sinh viên Trung Quốc đang học ở Singapore, chia sẻ sau khi bị lừa số tiền 500.000 SGD (363.000 USD) bởi những kẻ giả danh cảnh sát Trung Quốc.
Cảnh sát Singapore cho biết họ đã nhận được 92 báo cáo về các trường hợp lừa đảo như vậy từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, với số tiền các nạn nhân bị mất lên tới 5,3 triệu SGD.
Zhou, một sinh viên 21 tuổi, cho biết vào ngày 2/9, cô nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ với giọng Singapore, nói rằng bà ta là nhân viên của hãng chuyển phát nhanh DHL.
|
Do những bất ổn ở Hong Kong, ngày càng có nhiều học sinh Trung Quốc du học ở Singapore. Ảnh minh họa: Singaporean Stuff. |
Người phụ nữ này biết rõ tên tuổi của Zhou và nói với cô rằng một bưu kiện được gửi đi bằng tên của cô đang bị tạm giữ. Trong bưu kiện này, theo lời người phụ nữ, có quần áo, 21 hộ chiếu giả và 11 thẻ tín dụng.
Ban đầu Zhou phủ nhận có liên quan đến bưu kiện, và người phụ nữ bí ẩn đề xuất giúp cô báo cáo trường hợp lên cảnh sát, chuyển cuộc gọi đến số "999" (số điện thoại cảnh sát Singapore).
Người tiếp theo nghe điện thoại nói với Zhou rằng cuộc gọi sẽ phải chuyển tiếp tới một nhân viên cảnh sát khác, do vụ việc có yếu tố nước ngoài. Người đàn ông thứ ba nghe điện thoại và bảo Zhou hãy tra cứu số điện thoại của ông ta trên Google nếu muốn xác minh.
Khi làm điều này, Zhou thấy số điện thoại nói trên là của đồn cảnh sát quận Phố Đông, Thượng Hải, và cô bắt đầu tin tưởng những lời nói ở đầu dây bên kia.
Zhou cho biết sau đó "nhân viên cảnh sát này" chụp ảnh cho cô xem lệnh bắt giữ, khiến cô càng tin rằng vụ điều tra mà ông ta nói đến là có thật. "Tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi", Zhou chia sẻ.
Sinh viên 21 tuổi làm theo chỉ dẫn của người đàn ông và đi vào một khách sạn trên đường Orchard, Singapore.
|
Ngày càng có nhiều du học sinh Trung Quốc trở thành nạn nhân của những băng nhóm lừa đảo chuyên nghiệp. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc gọi được diễn ra bằng Facetime và Skype, có 2 người nói chuyện với Zhou nhưng họ đều không xuất hiện trên màn hình. Hai kẻ lừa đảo nói với Zhou rằng trường hợp của cô liên quan đến một vụ án nghiêm trọng, tuyệt mật nên cô không được phép nói với ai.
Những kẻ này tiếp tục nói rằng có một người đàn ông tên Sun đang kiện Zhou vì lừa đảo và rửa tiền, họ cũng khẳng định thẻ tín dụng của cô đã bị khóa. Khi Zhou ra cửa hàng để kiểm tra thì đúng là thẻ tín dụng của cô không sử dụng được.
Tiếp đó, hai kẻ lừa đảo gửi cho Zhou hình ảnh của những người cao tuổi đang tự tử và nói rằng đây là những nạn nhân của cô. "Họ gửi tôi rất nhiều hình ảnh như vậy", Zhou nói và bật khóc.
"Tôi vô cùng hoảng sợ và họ đã lợi dụng điều đó. Họ bảo tôi phải hợp tác nếu không muốn bị cảnh sát quốc tế bắt giữ. Tôi đồng ý làm việc với họ vì quá sợ hãi", Zhou chia sẻ.
Những kẻ lừa đảo nói rằng để chứng minh cho sự trong sạch của mình, cần phải có một số tiền gửi vào tài khoản của Zhou, họ sẽ truy cập và "xác minh" số tiền này.
Hai tên này cũng hướng dẫn Zhou nhận tiền từ cha mẹ mình, vốn đang ở Trung Quốc, lấy lý do rằng chính phủ Singapore cần phải xác minh xem Zhou có đủ khả năng tài chính để tiếp tục theo học ở đây không.
Từ ngày 3-7/9, những kẻ lừa đảo đã lấy đi 500.000 SGD qua năm lần giao dịch. Zhou vẫn ở lại trong khách sạn và tiếp tục cuộc gọi với những kẻ lừa đảo, chúng theo dõi mọi chuyển động của cô, thậm chí yêu cầu camera phải hướng vào giường khi Zhou ngủ để chắc chắn cô không tiết lộ mọi thứ với ai.
"Tôi phải thông báo cho họ khi tôi muốn đi uống nước và bất kể thời gian nào trong ngày, ai đó sẽ luôn trả lời ở đầu dây bên kia", sinh viên Trung Quốc cho biết.
|
Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân giữ cuộc gọi trên điện thoại hàng giờ, khiến họ không thể sử dụng điện thoại để xác minh hoặc liên lạc với người khác yêu cầu sự trợ giúp. Ảnh: Channel NewsAsia. |
Ngày càng có nhiều nạn nhân
Chỉ đến ngày 7/9, cảnh sát Singapore mới được thông báo về vụ việc. Bạn trai của Zhou, anh Wang, nói rằng bạn gái anh bảo là cô đang ở nhà một người bạn để giúp họ vượt qua cuộc chia tay tồi tệ, và yêu cầu anh đừng làm phiền.
Sau khi hỏi han xung quanh, Wang phát hiện người bạn mà Zhou nhắc tới đang ở Trung Quốc, anh lập tức bay đến Singapore để tìm kiếm bạn gái. Sau khi không thể liên lạc với Zhou, anh Wang đến trình báo cảnh sát Singapore rằng bạn gái mình đang mất tích.
Cảnh sát vào cuộc và tìm thấy Zhou, nhưng phải mãi sau đó họ mới phát hiện ra cô là nạn nhân của một vụ lừa đảo. Cảnh sát Singapore đang tiếp tục điều tra.
Zhou chỉ là một trong số ngày càng tăng những nạn nhân của các băng nhóm lừa đảo Trung Quốc, thường xuyên giả danh quan chức và cảnh sát để moi tiền các nạn nhân.
Ông Chew Jingwei, người đứng đầu bộ phận phụ trách các vụ lừa đảo thương mại có tổ chức, cho biết số vụ lừa đảo như vậy đang ở mức "đáng lo ngại".
"Trong các trường hợp gần đây, đặc biệt là ở lần đầu tiên tiếp xúc, những kẻ lừa đảo sẽ đóng giả cảnh sát Singapore hoặc nhân viên hãng DHL, và cố gắng thể hiện giống người địa phương nhất có thể", ông Chew nói.
Điều này là để tạo ra sự tin tưởng, phục vụ các bước tiếp theo cho vụ lừa đảo.
Ông Chew cũng cho biết trường hợp của Zhou là biến thể của trò lừa đảo mạo danh qua điện thoại thông thường, trong đó nạn nhân được yêu cầu phải tự cách ly bản thân.
"Những kẻ lừa đảo biết rằng nạn nhân có hạn chế về tài chính, để có thêm tiền từ cô ấy, chúng sẽ phải lôi cha mẹ vào cuộc", ông Chew nhận định.
Trong một vụ án tương tự hồi tháng 8, những kẻ lừa đảo đã khiến một sinh viên Trung Quốc 20 tuổi đang du học tại Singapore, tự trói mình lại, quay video và gửi về cho cha mẹ.
Cha mẹ anh ta sau đó được yêu cầu khoản tiền chuộc trị giá 200.000 nhân dân tệ. Cảnh sát sau đó tìm thấy sinh viên này an toàn trong một khách sạn tại khu phố Tàu.
"Những sinh viên rất dễ bị tổn thương, và rất khó để họ tìm kiếm sự hỗ trợ, có lẽ vì họ không quen với các thủ tục ở Singapore", ông Chew cho biết.
Trong một biến thể khác của việc lừa đảo, thủ phạm sẽ hướng dẫn nạn nhân quét mã QR và chuyển một khoản tiền bằng máy bán Bitcoin tự động.
Thường thì những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân giữ điện thoại để họ không có cơ hội sử dụng điện thoại để xác minh mọi thứ. Cảnh sát Singapore đang khuyến cáo công chúng nên đề phòng khi họ nhận được các cuộc gọi không mong muốn, đặc biệt là từ các bên không xác định.
"Một khi bạn nhân được một cuộc gọi như vậy, chỉ cần cúp máy. Đó là cách dễ dàng nhất để ngăn chặn những vụ lừa đảo như vậy", ông Chew nói.
Theo Sơn Trần/Zingnews