Trên các bờ sông, nhiều giàn hỏa táng cháy suốt ngày đêm, nhiều khu hỏa táng không còn chỗ trống. Hiện tượng này phần nào phản ánh số người chết nhiều chưa từng thấy và chưa được cập nhật trong dữ liệu chính thức.
Theo BBC, đằng sau các thi thể trôi nổi trên sông là câu chuyện về phong tục tập quán, nghèo đói và một đại dịch giết người thần tốc.
|
Nhiều giàn hỏa táng cháy suốt ngày đêm tại Ấn Độ. Ảnh: Getty. |
Hoảng sợ
Câu chuyện kinh hoàng tại bang Uttar Pradesh lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào ngày 10/5. Mở đầu là sự kiện 71 thi thể trôi dạt vào bờ sông ở làng Chausa của Bihar.
Các quan chức cho biết một số hài cốt có thể là bộ phận cơ thể còn sót lại rơi xuống sông Hằng sau các cuộc hỏa táng, nhưng họ ngờ rằng xác chết đã bị vứt xuống sông.
Cảnh sát đã giăng một tấm lưới chắn ngang mặt nước để chặn không cho điều tương tự xảy ra.
Một ngày sau, cách Chausa khoảng 10 km, người ta thấy chó và quạ bu vào hàng chục thi thể đang phân hủy trên bờ dòng sông tại làng Gahmar, thuộc vùng Pradesh Ghazipur của bang Uttar.
Người dân địa phương cho biết thi thể đã trôi dạt vào bờ kè trong nhiều ngày. Tuy nhiên, chính quyền đã phớt lờ lời phàn nàn của họ về mùi hôi thối cho đến khi tin tức về các xác chết được tìm thấy ở hạ lưu Bihar được đưa lên báo.
Hàng chục thi thể trương lên và phân hủy, trôi nổi trên sông. Chúng được người dân phát hiện khi họ đi ngâm mình buổi sáng ở dòng sông linh thiêng nhất Ấn Độ. Tờ Hindustan đưa tin cảnh sát đã vớt được 62 thi thể.
Trong khi đó, ở Kannauj, Kanpur, Unnao và Prayagraj, bờ sông rải rác những ngôi mộ nông.
|
Những ngôi mộ nông bên dòng sông Hằng. Ảnh: Getty. |
Những thước video được gửi đến BBC từ bờ Mehndi ghat ở Kannauj cho thấy hàng loạt gò đất có hình dáng của xác người. Mỗi gò này chứa một thi thể. Tại Mahadevi ghat gần đó, người ta tìm thấy ít nhất 50 thi thể.
Lò hỏa táng quá tải
Theo truyền thống, tín đồ theo đạo Hindu sẽ hỏa táng người chết. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng có tập tục được gọi là "Jal Pravah" - tập tục thả trôi sông thi thể của trẻ em, phụ nữ chưa chồng, hoặc những người chết vì bệnh truyền nhiễm hoặc bị rắn cắn.
Nhiều người nghèo không có tiền hỏa táng thân nhân nên họ cũng quấn thi thể bằng vải dạ trắng và thả xuống nước.
Đôi khi, thi thể được buộc vào đá để đảm bảo sẽ chìm xuống đáy sông, nhưng có nhiều xác được thả trôi mà không buộc đá. Thời gian trước đại dịch, tử thi trôi trên sông Hằng không phải là một cảnh tượng hiếm thấy.
Tuy nhiên, số lượng thi thể trên sông quá nhiều trong thời gian gần đây vẫn khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.
Một nhà báo ở Kanpur nhận định số lượng thi thể trên sông chính là bằng chứng cho thấy "sự khác biệt lớn giữa số liệu tử vong chính thức của và số người chết thực sự liên quan đến Covid-19" ở Ấn Độ.
Ông cho biết từ ngày 16/4 đến 5/5, con số trong báo cáo chính thức là 196 người chết ở Kanpur, nhưng dữ liệu từ 7 lò hỏa táng cho thấy có gần 8.000 ca hỏa táng.
"Tất cả lò hỏa táng điện đều hoạt động 24/7 trong tháng 4. Kể cả như vậy, vẫn không đủ lò để thiêu xác, vì vậy chính quyền đã cho phép dùng gỗ ở khu đất bên ngoài để hỏa táng", ông nói.
"Tuy nhiên, các lò hỏa táng chỉ nhận thi thể đã xác nhận mắc Covid-19 từ bệnh viện, trong khi có một số lượng rất lớn người chết tại nhà chưa được xét nghiệm. Gia đình người chết đưa thi thể thân nhân ra ngoại ô thành phố hoặc đến các quận lân cận như Unnao. Khi không tìm được gỗ hoặc nơi hỏa táng, họ thả xác dưới đáy sông".
|
Các giàn hỏa táng dọc bên bờ sông. Ảnh: Getty. |
Một nhà báo khác ở Prayagraj cũng tin rằng nhiều thi thể trên sông là của bệnh nhân Covid-19 chết tại nhà mà không được xét nghiệm, hoặc những người nghèo không đủ tiền hỏa táng.
"Thật đau lòng", ông nói. "Những người này đều là con trai, con gái, anh, chị, cha hay mẹ của ai đó. Họ đáng được tôn trọng khi ra đi. Nhưng cái chết của họ còn không được thống kê - không ai biết họ chết và được chôn cất như thế nào".
Chôn cất từ 7h sáng đến 23h tối
Việc phát hiện ra những ngôi mộ và thi thể phân hủy, cùng với nỗi lo sợ rằng những tử thi này có thể mắc Covid-19 đã làm dấy lên nỗi hoảng sợ tại những ngôi làng dọc theo bờ sông.
Bắt nguồn từ dãy Himalaya, sông Hằng là một trong những con sông lớn nhất thế giới. Người theo đạo Hindu cho đây là dòng sông thiêng, họ tin rằng tắm ở sông Hằng sẽ tẩy rửa được tội lỗi và dùng nước sông này cho các nghi lễ tôn giáo.
Ở Kannauj, Jagmohan Tiwari, một người dân 63 tuổi, cho biết đã nhìn thấy "150-200 ngôi mộ nông" bên bờ sông. "Lễ chôn cất diễn ra từ 7h sáng đến 23h tối", ông nói.
Việc phát hiện ra những ngôi mộ gây hoảng loạn trong khu vực. Mọi người lo rằng các thi thể bị chôn vùi trên mặt đất sẽ bắt đầu trôi trên sông khi trời mưa và mực nước dâng cao.
Hôm 12/5, chính quyền tiểu bang đã ra lệnh cấm tập tục "Jal Pravah" và hỗ trợ cho các gia đình nghèo không đủ tiền hỏa táng.
|
Người thân của một nạn nhân đứng gần bờ sông trong khi thi thể được hỏa táng. Ảnh: Getty. |
Nhiều nơi, cảnh sát dùng gậy vớt tử thi khỏi sông và kêu gọi người chèo thuyền đưa xác vào bờ. Sau khi được vớt lên, các thi thể đã phân hủy được chôn trong hố hoặc bị thiêu trên giàn hỏa táng.
Thẩm phán quận Ghazipur Mangala Prasad Singh cho biết nhiều đội đã được thành lập, tuần tra các bờ sông và khu hỏa táng để ngăn người dân vứt xác xuống sông hoặc chôn xác trên bờ.