Đi chợ chú rể 700 năm tuổi ở Ấn Độ để “mua chồng“

Google News

Trong hơn 700 năm qua, bang Bihar của Ấn Độ đã tổ chức một phiên chợ chú rể độc đáo, nơi phụ nữ và gia đình của họ đến "mua chồng" và thoải mái mặc cả.

Mỗi năm, hàng nghìn người đàn ông tụ tập dưới tán cây Pipal ở khu chợ địa phương ở quận Madhubani, bang Bihar của Ấn Độ, chờ đợi để được các cô dâu tương lai lựa chọn. Đây chính là khu chợ chú rể được gọi là Saurath Mela hoặc Sabhagachhi.
Phiên chợ độc đáo này kéo dài 9 ngày để giúp phụ nữ dễ dàng tìm mua chồng ưng ý. Mỗi chú rể được định giá dựa trên năng lực, bao gồm cả trình độ học vấn và nền tảng gia đình của họ.
Di cho chu re 700 nam tuoi o An Do de “mua chong“
Các gia đình có thể mặc cả mua chồng cho con gái ở chợ chú rể Saurath Mela. Ảnh: Sachin_G/Pixabay. 
Hãy tưởng tượng cảnh bạn đi chợ chọn mua người bạn đời của mình. Điều đó nghe có vẻ điên rồ, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, nhưng đó chính xác là cách một số phụ nữ Maithili ở bang Bihar chọn chồng. Các cô gái sẽ cùng với gia đình của họ để kén rể. Họ sẽ xem các giấy tờ cần thiết của chàng rể được chọn như giấy khai sinh và bằng cấp học hành. Khi ưng ý một người nào đó, họ bắt đầu thảo luận chi tiết về giá cả.
Tờ Al Jazeera gần đây đã tới ghi nhận thực tế ở chợ chú rể truyền thống của Bihar và cho biết, các kỹ sư, bác sĩ và nhân viên chính phủ được săn đón nhiều nhất, trong đó những “chú rể” trẻ tuổi là phổ biến nhất.
Di cho chu re 700 nam tuoi o An Do de “mua chong“-Hinh-2
Các người đàn ông ngồi chờ người mua tại chợ chú rể Ấn Độ. 
Theo Aljazeera, “chợ chú rể” đã tồn tại hơn 700 năm ở Madhubani. Trong sự kiện này, những người đàn ông có nhu cầu lấy vợ sẽ tụ tập, tự “quảng cáo” về bản thân với hy vọng sẽ được gia đình nhà gái lựa chọn. Nếu thành công, họ có thể đòi hỏi của hồi môn từ gia đình cô dâu.
Mặc dù việc trao của hồi môn là bất hợp pháp ở Ấn Độ nhưng các ứng viên ở chợ chú rể vẫn thường đòi của hồi môn không nhỏ từ gia đình cô dâu.
Di cho chu re 700 nam tuoi o An Do de “mua chong“-Hinh-3
Chàng trai đến chợ chú rể ứng tuyển. 
“Như thể nhà gái có thể mua một chú rể phù hợp nếu họ trả đủ tiền hồi môn. Hôn nhân ở nơi này như một món hàng được đem ra giao dịch”, một người đàn ông giấu tên nói với Aljazeera.
Ở bang Bihar, các cô dâu hầu như không có tiếng nói trong việc lựa chọn chú rể. Chính gia đình nhà gái mới là người quyết định chọn ai làm chồng cho cô dâu.
Đáng nói hơn là Ấn Độ còn có chợ cô dâu. Ở Haudati, cô dâu có nhiều mức giá khác nhau, tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng nội trợ của họ.

Mời độc giả xem video Hoả hoạn thiêu rụi gần 30 Kiốt tại chợ thị xã Buôn Hồ trong đêm. Nguồn ANTT Dak Lak.


Thảo Nguyên (Theo OC)