Delta chưa qua, Lambda tới: Liên hoàn biến chủng Sars-CoV-2 “hoạ thêm hoạ”?

Google News

(Kiến Thức) - Trong khi đang phải đối phó với biến thể Delta, Đông Nam Á lại ghi nhận ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên. Sự xuất hiện của biến chủng Lambda khiến nhiều người lo ngại cuộc chiến chống COVID-19 tại khu vực này có thể sẽ vất vả hơn.

Đông Nam Á phát hiện ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên
Ngày 15/8, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Lambda. Bệnh nhân là một phụ nữ 35 tuổi. Được biết, bệnh nhân không có triệu chứng và đã hồi phục sau 10 ngày cách ly.
Hiện tại, Bộ Y tế Philippines chưa xác định liệu người này nhiễm bệnh khi ở địa phương hay từ nước ngoài trở về. Nhà chức trách Philippines đang khẩn trương truy vết tiếp xúc liên quan tới nữ bệnh nhân.
Philippines trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ghi nhận ca nhiễm biến thể Lambda trong bối cảnh nước này và các quốc gia khác trong khu vực vẫn đang phải đối phó với làn sóng COVID-19 do biến thể Delta.
Delta chua qua, Lambda toi: Lien hoan bien chung Sars-CoV-2 “hoa them hoa”?
Thủ đô Manila, Philippines, bị phong tỏa do biến thể Delta. Ảnh: Merdeka. 
Một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan tiếp tục chứng kiến số ca mắc mới theo ngày cao, gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. 
Theo cập nhật của trang Worldometers về tổng số ca mắc COVID-19 ở các nước Đông Nam Á lúc 20h30 ngày 16/8, Indonesia có 3,87 triệu ca, Philippines có 1,75 triệu ca, Malaysia có 1,42 triệu ca, Thái Lan có 928.314 ca, Myanmar có 354.279 ca, Campuchia có 86.041 ca, Singapore có 66.225 ca, Lào có 10.441 ca, và Brunei có 787 ca nhiễm.
Nhiều người lo ngại cuộc chiến chống COVID-19 ở Đông Nam Á sẽ vất vả hơn nếu biến chủng Lambda gây nên làn sóng mới tại khu vực này giữa lúc các nước vẫn đang phải chống chọi với sự "hoành hành" của biến thể Delta.
Biến thể Lambda nguy hiểm thế nào?
Biến thể Lambda lần đầu tiên được ghi nhận ở Peru vào cuối năm 2020. Tại Peru, biến thể Lambda là “thủ phạm” gây ra 80% ca mắc COVID-19 mới, tính riêng trong tháng 7/2021.
Có những lo ngại rằng biến thể này sẽ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ và khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao ở hàng loạt nước như Argentina, Colombia, Ecuador, Chile, Brazil, Mexico.
Được biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Lambda là “biến chủng đáng quan tâm” - biến chủng bị nghi ngờ có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng ban đầu hoặc có khả năng kháng vắc xin cao hơn.
Delta chua qua, Lambda toi: Lien hoan bien chung Sars-CoV-2 “hoa them hoa”?-Hinh-2
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm cho người dân tại một điểm tiêm chủng ở Yogyakarta, Indonesia, ngày 8/8. Ảnh: Xinhua. 
Theo một số nghiên cứu ban đầu trong ống nghiệm, biến thể Lambda mang hai đột biến T76I và L452Q có khả năng làm tăng khả năng lây nhiễm so với chủng gốc SARS-CoV-2. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Lambda ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vắc xin COVID-19 hiện nay.
Kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia y học thuộc trường Đại học New York (Mỹ) chỉ ra rằng các loại vắc xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA có thể sản sinh kháng thể “vừa phải”. 
Dù vậy, giới khoa học cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa mới biết biến thể Lambda nguy hiểm đến đâu.
"Nếu biến chủng này có thể phá vỡ khả năng miễn dịch ở những bệnh nhân từng nhiễm bệnh trước đó theo cách tương tự Delta, chúng ta có thể chứng kiến một làn sóng dịch bệnh khác trong thời gian 6 tháng mà số ca nhiễm chủ yếu là Lambda hoặc liên quan đến Lambda", Rachel Graham, Phó giáo sư khoa dịch tễ học thuộc Đại học Bắc Carolina, cảnh báo. 
Biến chủng Lambda đã lây lan ra hơn 40 nước
Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 tại Peru, biến thể Lambda hiện lan tới hơn 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ, Peru, Chile, Argentina, Brazil, Colombia, Nhật Bản...
Tại Chile, khoảng 1/3 số ca nhiễm mới ở nước này được phát hiện trong một tháng qua mắc biến thể Lambda.
Tại Argentina, Lambda là biến thể phổ biến thứ hai sau biến thể Gamma. Theo thống kê của Viện quốc gia các bệnh truyền nhiễm Anlis-Malbran của Argentina, trong số 1.077 mẫu xét nghiệm của các bệnh nhân COVID-19 chưa từng ra nước ngoài, biến thể Lambda chiếm tới 37%.
Các nước Mỹ Latinh khác như Colombia, Ecuador, Chile, Uruguay, Paraguay, Brazil và Mexico cũng đang cảnh báo về sự tấn công của biến thể Lambda.
Theo trang web Infection Control Today, ca đầu tiên nhiễm biến thể Lambda tại Mỹ được phát hiện trong bệnh viện ở Houston vào cuối tháng 7/2021. Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến chủng Lambda lan rộng khắp 44 bang trên cả nước. 
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ) ngày 8/8 cảnh báo, biến chủng mới nguy hiểm này có nguy cơ gây nên làn sóng mới tại Mỹ. Giới chức Mỹ đang theo dõi chặt chẽ diễn biến lây lan của biến thể Lambda.
Delta chua qua, Lambda toi: Lien hoan bien chung Sars-CoV-2 “hoa them hoa”?-Hinh-3
Đến nay, Mỹ ghi nhận hơn 1.300 ca nhiễm biến chủng Lambda lan rộng khắp 44 bang trên cả nước.  
Anh đã đưa ra cảnh báo về biến thể mới Lambda vào đầu tháng 8/2021, sau khi khoảng 50% trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể này được ghi nhận trên khắp đất nước.
Pháp phát hiện ca nhiễm biến thể mới Lambda đầu tiên vào đầu tháng 5/2021. Canada, Đức, Tây Ban Nha, Israel và Zimbabwe,... cũng đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến thể Lambda đầu tiên. 
Tại Châu Á, Nhật Bản là nước đầu tiên ghi nhận ca nhiễm biến thể Lambda vào ngày 6/8. Bệnh nhân này là nữ, khoảng 30 tuổi, trở về Nhật từ Peru hôm 20/7.
Delta chua qua, Lambda toi: Lien hoan bien chung Sars-CoV-2 “hoa them hoa”?-Hinh-4
 

Delta chua qua, Lambda toi: Lien hoan bien chung Sars-CoV-2 “hoa them hoa”?-Hinh-5
 

Mời độc giả xem thêm video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới (Nguồn video: THĐT)

Thiên An (T.H)