Đại dịch Covid-19 làm thay đổi vĩnh viễn văn hóa công sở. Nhiều người trở nên quen thuộc với những kỹ năng làm việc tại nhà, cuộc họp online và bữa trưa không đồng nghiệp.
Và giờ đây, khi được yêu cầu quay trở lại văn phòng, họ cảm thấy mình kiệt sức vì không thể thu xếp thời gian công việc và riêng tư. Một số người chấp nhận xin nghỉ việc, số khác lại tìm mọi cách để cân bằng.
Theo CNA, sự cân bằng đối với nhiều người là quyền được tự do, tự chủ trong công việc. Họ mong muốn có thể làm việc ở bất cứ đâu, đến văn phòng 2 lần/tuần, mở máy tính lúc 9h và từ chối nói chuyện công việc sau 18h tối. Vào cuối tuần, họ cũng có thể dành trọn thời gian để chơi guitar, nấu ăn cho gia đình hoặc vui chơi với bạn bè.
Trong mắt họ, sự cân bằng như trò bập bênh mà khối lượng công việc - cuộc sống phải bằng nhau một cách hoàn hảo.
|
Hậu dịch, nhiều người gặp khó khi cân bằng thời gian làm việc và riêng tư. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels.
|
Không thể cân bằng
Theo ông Keith Yap, nghiên cứu sinh tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhiều công ty tìm cách giữ chân nhân viên bằng cách đưa ra nhiều sáng kiến giúp giải tỏa tinh thần như lớp học yoga và về thiền.
Tuy nhiên, điều này dường như không mang lại hiệu quả.
Thứ nhất, số đông nhân sự cho rằng điều khiến họ mệt mỏi chính là điều kiện làm việc căng thẳng. Do đó, thay vì ngồi thiền, họ yêu cầu cấp quản lý xem xét lại giờ làm việc và thay đổi kỳ vọng đối với nhân viên.
Và thứ hai, dù công ty có nỗ lực giảm giờ làm, người lao động cũng khó lòng thoát khỏi công việc. Hầu hết người lao động đều biết các dự án thường tốn nhiều thời gian hơn dự kiến, họ không cách nào bỏ ngang ngoài việc làm giờ để đáp ứng thời hạn.
"Theo tôi, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống như con dao hai lưỡi. Nếu để nhân viên tự do điều chỉnh việc làm để phù hợp lối sống cá nhân, công ty sẽ phải chịu ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.
Ngoài ra, nếu mặc sức theo đuổi sự cân bằng và không chịu ràng buộc với công việc, người lao động cũng sẽ tự hạn chế sự phát triển nghề nghiệp", ông Yap nói.
Làm việc 10 tháng/năm
Cũng theo ông Keith Yap, đã đến lúc người lao động loại bỏ thuật ngữ "cân bằng giữa công việc và cuộc sống" và hình ảnh về chiếc bập bênh.
Thay vào đó, chúng ta nên hòa mình vào "nhịp điệu công việc" - một đồ thị sinh hoạt, làm việc thay đổi hài hòa theo nhu cầu, xen kẽ thời gian làm việc và nghỉ ngơi thích hợp tùy vào tình hình cuộc sống.
Một "nhịp điệu" lành mạnh, phù hợp sẽ tạo điều kiện để nhân sự phát triển nghề nghiệp, giảm bớt tình trạng kiệt sức và giúp tổ chức tăng trưởng ổn định.
"Ở quãng ‘nhịp điệp’ làm việc, các bạn cần tập trung và chăm chỉ. Điều này sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành một khối lượng công việc dày đặc.
Đổi lại, sau quãng thời gian này, công ty phải đảm bảo số giờ nghỉ để bạn chăm lo cho cuộc sống cá nhân hoặc du lịch dài ngày. Trong thời điểm này, bạn có thể duy trì công việc ở mức tối thiểu hoặc tạm nghỉ hoàn toàn mà không cần lo lắng về tiến độ, deadline", ông Yap bày tỏ.
|
Xu hướng làm việc 4 ngày/tuần được nhiều công ty áp dụng. Ảnh minh họa: Andrea Piacquadio/Pexels.
|
Quy trình làm việc này cũng cho phép người lao động chủ động quản lý lịch trình của mình trong khi vẫn đảm bảo khối lượng công việc cho tổ chức. Nó được so sánh như các mùa vụ trong nông nghiệp khi người nông dân dốc toàn lực vào chính vụ, sau đó được phép nông nhàn.
"Nhiều người đang bàn bạc về xu hướng làm việc 4 ngày/tuần. Nhưng theo tôi, chúng ta cũng nên nói về cách thức làm việc chỉ 10 tháng/năm", ông Yap nói thêm.
Nhiều đề xuất mới
Cắt giảm giờ làm đang thành xu hướng với niềm tin lao động thông minh mang lại nhiều lợi ích hơn làm việc chăm chỉ.
Iceland, Tây Ban Nha, Bỉ là những quốc gia đầu tiên cắt giảm số ngày làm việc. Hàng nghìn công nhân ở Mỹ, Canada, Anh, Australia và New Zealand đang thử nghiệm chương trình lao động 4 ngày/tuần. Ở châu Á, Nhật Bản và Indonesia là những nước tiên phong giảm giờ làm.
Tiến sĩ Jan-Emmanuel De Neve, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Oxford, cho rằng những thay đổi do đại dịch đang tạo ra "cuộc cách mạng" về thời gian và năng suất lao động.
"Tôi nghĩ sắp tới sẽ rất khó để một người sếp nói không với nhân viên, ví dụ như bạn không thể làm việc ở nhà vào chiều thứ 4 hoặc thứ 6, bởi thực tế chứng minh rằng điều đó hoàn toàn có thể", tiến sĩ nói.
Không chỉ giảm thời gian làm việc, ngày 28/4, Airbnb, công ty du lịch và nền tảng cho thuê phòng ở trực tuyến của Mỹ, thông báo nhân viên có thể làm việc từ xa mãi mãi, không cần đến văn phòng.
Cụ thể, nhân sự của Airbnb có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào trong đất nước mà họ làm việc. Điều này không làm ảnh hưởng đến chế độ lương, thưởng, tức là nhân viên sẽ không bị giảm lương nếu chuyển đến sinh sống tại một thành phố có chi phí sinh hoạt thấp hơn, CNN đưa tin.
Ông Brian Chesky, giám đốc điều hành và người đồng sáng lập Airbnb, cho biết chính sách linh hoạt này sẽ giúp công ty "tuyển dụng và giữ chân những người giỏi nhất trên thế giới" thay vì chỉ có được những người nằm trong bán kính đi lại xung quanh văn phòng.
Theo Thục Hạnh/Zing