Tổng thống Trump có một nhiệm kỳ chẳng giống bất kỳ Tổng thống nào trước đó. Đối với các nhiếp ảnh gia, thì sự khác biệt này thể hiện theo hai cách chính: Thời gian và khả năng tiếp cận.
Doug Mills, phóng viên ảnh kỳ cựu của Thời báo New York, chụp rất nhiều ảnh các Tổng thống và cũng được Tổng thống Trump khen là “thiên tài”, nói: “Chúng tôi có thể tiếp cận Tổng thống Donald Trump nhiều hơn bất kỳ Tổng thống nào mà tôi từng chụp”.
Việc dễ tiếp cận, nhiều khi trong khoảng thời gian dài 1-2 tiếng đồng hồ, khiến các phóng viên ảnh có thể chụp được những bức ảnh rất đa dạng, ở nhiều địa điểm. Theo ông Mills thì Tổng thống Trump thích những căn phòng có ánh sáng nhẹ, mờ.
Ai cũng nghĩ rằng phòng có ít ánh sáng thì chụp ảnh không đẹp, nhưng nếu người trong phòng là người có tầm ảnh hưởng cực lớn thì kết quả có thể sẽ khác. Nên một trong những bức ảnh Tổng thống Trump mà ông Mills ưng ý nhất đã được chụp trong căn phòng như thế.
Tổng thống Trump trong một cuộc họp ở Washington, ngày 15/6/2020. Ảnh: Doug Mills/ Thời báo New York/ Bloomberg/ Getty Images.
Đó là bức ảnh do ông Mills chụp hôm 15/6/2020. Tổng thống Trump ngồi khoanh tay, nhắm mắt, nghiêng đầu sang bên. Ánh sáng len qua những tấm rèm và hắt ra từ bóng đèn ở giữa hai lá cờ đằng sau ông. Biểu cảm của Tổng thống Trump khá căng thẳng, ngôn ngữ cơ thể tỏ ra khép kín, trông ông có vẻ không hài lòng, có thể vì chuyện gì đó không như ý ở thời điểm ấy. Đây là một trong những bức ảnh Tổng thống Trump được báo chí đăng nhiều nhất.
Tiếp theo là bức ảnh mà phóng viên Tom Brenner đã chụp cho hãng Reuters vào tháng 9/2020. Trong một buổi Tổng thống Trump gặp gỡ và phát biểu trước người ủng hộ của ông, có một khoảnh khắc, lá cờ tung bay được chụp lại trông như thể nó là những lời nói tung ra vậy. Bức ảnh này cũng được dùng trong nhiều trường hợp, bởi nó thể hiện đúng cách phát biểu của Tổng thống Trump, thường với phong thái và từ ngữ hùng hồn, tác động mạnh.
Tổng thống Trump phát biểu ở Jacksonville (Florida), 24/9/2020. Ảnh: Tom Brenner/ Reuters.
Có một điều nữa mà các phóng viên ảnh cũng chú ý, đó là Tổng thống Trump rất quan tâm đến hình ảnh bản thân, từ mái tóc đến chiếc cravat. Bởi vậy nên một số phóng viên ảnh muốn có những bức ảnh sáng tạo hơn, thể hiện nhiều nhưng lại chẳng thể hiện gì mấy. Đó là điều khiến Sarah Silbiger, một phóng viên ảnh tự do làm việc cho Getty Images và các hãng tin khác, rất thích bức ảnh này:
Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence tổ chức họp báo về virus corona mới ở Washington, ngày 4/4/2020. Ảnh: Sarah Silbiger/ Getty Images.
Trong một buổi họp báo về virus corona mới vào ngày 4/4/2020, Silbiger chụp được ảnh Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence từ phía sau. Bức ảnh dường như chẳng hé lộ điều gì, nhưng người xem vẫn có thể nhận ra cảm giác căng thẳng trong đó.
Còn đôi khi, sự nhanh nhạy và chút may mắn sẽ giúp tạo nên những bức ảnh tuyệt vời, như những bức ảnh này:
Ảnh: Carlos Barria/ Reuters.
Ảnh: Doug Mills/ Thời báo New York/ Redux.
Ảnh: Evan Vucci/ AP.
Ảnh: Saul Loeb/ AFP/ Getty Images.
Khi đó, chiếc Air Force One hạ cánh ở căn cứ Andrews (Maryland), vào ngày 28/8/2020. 4 nhiếp ảnh gia cùng có mặt vào buổi tối hôm đó, như nhiều lần trước đây. Nhưng lần này, trời tối và mưa. Mặt đất trơn và loang loáng nước. Tay cầm ô, Tổng thống Trump bước xuống những bậc thang và đúng lúc đó, một tia chớp cắt ngang bầu trời.
Ở gần đó, 4 phóng viên là Carlos Barria của hãng Reuters, Saul Loeb của hãng AFP, Doug Mills của Thời báo New York và Evan Vucci của AP đều phản ứng ngay với hàng loạt tiếng click máy ảnh. Rất ấn tượng, mỗi phóng viên đều “chớp” lại được tia chớp sắc nét, tạo ra những bức ảnh đầy tính điện ảnh.
“Bạn có thể chụp ảnh cả ngàn lần mà khoảnh khắc đó có lẽ vẫn sẽ chẳng bao giờ xảy ra lần nữa,” - phóng viên ảnh Vucci nói - “đó là một trong những điều kỳ lạ nhất từng xảy ra trong cuộc đời tôi”.
Tổng thống Trump cho cậu bé Frank, 11 tuổi, tới cắt cỏ trong Vườn Hồng ở Nhà Trắng. Ảnh: Carlos Barria/ Reuters.
Một bức ảnh ấn tượng nữa có lẽ không lạ như những bức ảnh trên, nhưng lại được chia sẻ rất nhiều suốt hàng năm nay. Đó là ảnh cậu bé Frank Giaccio, học lớp 6, được Tổng thống Trump cho đến cắt cỏ ở Vườn Hồng (Nhà Trắng) vào ngày 15/9/2017. Trong khi Frank cắt cỏ, Tổng thống Trump đứng gần đó, có lẽ là hỏi chuyện, nhưng trông ông lại như đang quát to. Bức ảnh này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt gần như ngay lập tức và thỉnh thoảng lại “trỗi dậy” mỗi khi có chuyện gì đó lạ lùng xảy ra. “Phiên bản” gần đây nhất của bức ảnh là sau khi Twitter khóa tài khoản của Tổng thống Trump (8/1), và cư dân mạng nói rằng trong bức ảnh, Tổng thống dường như đang bảo cậu bé kia cho ông mượn điện thoại và tài khoản Twitter để ông đăng bài vậy.
Theo Hoahoctro