Nữ du khách người Mỹ Beth Bogar và chồng đã dành thời gian hơn 1 năm để chuẩn bị cho chuyến du lịch đến hòn đảo thiên đường ở Bali (Indonesia). Sau khi tham quan nhiều địa điểm nổi tiếng trên đảo, cặp vợ chồng quyết định kết thúc lịch trình bằng việc đến thăm Công viên Voi Mason nổi tiếng hôm 4/5.
Tuy nhiên, Beth đã bị voi cắn gãy tay khi cô đến quá gần con vật để tạo dáng chụp ảnh theo hướng dẫn của người huấn luyện.
"Khi tôi đến gần nó để chụp ảnh theo lời của anh ấy, cánh tay của tôi như bị hút vào miệng con vật và không thể rút tay ra khỏi đó. Tôi chỉ còn nghe thấy tiếng răng rắc như xương vỡ và bắt đầu hoảng sợ", cô nói với Đài truyền hình WMUR của Mỹ.
|
Beth tạo dáng bên một con voi trước khi bị tấn công. Ảnh: WMUR. |
Theo lời Beth, chú voi tấn công cô sống ở công viên được 24 năm và có người huấn luyện riêng, sự cố này nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhân viên trong công viên.
Trước khi ý thức được mức độ quan trọng của chấn thương, Beth được đưa vào văn phòng nghỉ mát, chườm đá để giảm đau. Tuy nhiên, tình trạng của cô ngày càng nặng, cánh tay sưng đỏ và đau nhức.
Beth được đưa đến một bệnh viện cách đó hơn 1 giờ để tiến hành phẫu thuật khẩn cấp và phải chi trả hóa đơn y tế hơn 10.000 USD cho tai nạn nghiêm trọng.
"Tay tôi bị dập nát, bên trong đó là rất nhiều nẹp và đinh vít để cố định phần tổn thương", Beth nói.
Gia đình Beth cho biết họ không đổ lỗi cho những chú voi vì đây là một rủi ro không mong muốn song họ hy vọng công viên phải có những hành động hỗ trợ hợp lý hơn. Về phía khu nghỉ dưỡng, họ chỉ hứa chi trả cho cô một nửa hóa đơn điều trị và gửi lời xin lỗi.
|
Phim chụp X-quang cánh tay của Beth gãy dập sau khi bị voi cắn. Ảnh: WMUR. |
"Hãy suy nghĩ kỹ về lịch trình trong các chuyến đi của bạn, bởi chỉ trong tích tắc, toàn bộ chuyến đi, thậm chí cả cuộc đời của bạn có thể thay đổi", Beth khuyên những người có cùng đam mê du lịch như cô.
Báo chí đã liên hệ với Công viên Voi Mason để hỏi về vụ việc nhưng chưa nhận được phản hồi.
Công viên Voi Mason là nơi sinh sống của 30 cá thể voi Sumatra đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Nơi này được thành lập để đối phó với tình trạng phá rừng và săn bắt trái phép, nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm các cá thể voi bản địa. Đây cũng trung tâm cứu hộ voi chuyên nghiệp, tổ chức duy nhất được chứng nhận tại Ubud, Bali.
Thảo Nguyên (Theo NY Post)