Không phải đến dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) mà từ nhiều năm trước, các báo lớn, nhà sử học và chuyên gia quân sự trên thế giới đã có những bài viết bày tỏ sự khâm phục đối với tài năng và thành tựu vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc của thế kỷ 20
Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - một mốc son chói lọi trong lịch sử oai hùng chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam. Rất nhiều bài báo ca ngợi chiến công của vị “Đại tướng của Nhân dân”.
Trong đó, bài viết của nhà báo, nhà sử học người Mỹ Stanley Karnow về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng trên tờ New York Times (Mỹ) tháng 6/1990 đã dành rất nhiều lời ca ngợi đối với vị tướng kiệt xuất của Việt Nam.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những vị tướng tài giỏi nhất lịch sử thế giới… Là nhà chiến lược táo bạo, tư duy logic tài năng và nhà tổ chức không biết mệt mỏi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chiến đấu suốt hơn 30 năm, biến một đội quân du kích áo vải ít ỏi thành một trong những quân đội hiệu quả nhất của thế giới”, nhà sử học Stanley Karnow viết.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Getty. |
Nhà sử học Derek Frisby và là một chuyên gia về lịch sử quân sự Mỹ đánh giá rất cao vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của Việt Nam.
Trên chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đối phương dành sự tôn trọng vì tư duy chiến lược quân sự đặc biệt và tài năng chỉ huy xuất chúng. Chính Đại tướng là người đầu tiên giúp tổ chức cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của phát xít Nhật trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách là người chỉ huy, Tướng Giáp đã kiến nghị để đưa ra những quyết sách đúng đắn và sáng tạo, cùng Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh bại quân Pháp được trang bị tốt hơn rất nhiều lần tại Điện Biên Phủ vào năm 1954, góp phần quan trọng buộc thực dân Pháp phải rút khỏi Đông Dương.
Sau khi đất nước bị chia cắt làm hai miền do sự can thiệp quân sự của Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà chiến lược chưa từng qua bất kỳ trường lớp quân sự nào, một lần nữa cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và các đồng chí lãnh đạo của đất nước, đánh bại đế quốc Mỹ và chính quyền bù nhìn ở miền Nam Việt Nam, đến năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời đánh dấu cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trường kỳ của Việt Nam giành được thắng lợi cuối cùng.
Theo hãng Reuters, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những chỉ huy quân sự đáng chú ý nhất của thế kỷ 20. Reuters dẫn lời các nhà sử học nhấn mạnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một huyền thoại ở Việt Nam, sánh ngang hàng với những “người khổng lồ” quân sự trên thế giới.
Hãng Thông tấn Quốc gia Algeria (APS) ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “vị tướng huyền thoại”, người “anh hùng của dân tộc Việt Nam”. Trong khi đó, tờ Liberté của nước này gọi ông là “một trong những chiến lược gia quân sự quan trọng nhất trong lịch sử mà các tướng Pháp và Mỹ cũng phải thừa nhận”.
Người dân Algeria coi Tướng Giáp là "một người bạn lớn của nhân dân Algeria", người đã "làm rạng danh cuộc đấu tranh của các dân tộc chống thực dân và ách thống trị của nước ngoài", "đi vào lịch sử quân sự, các công trình nghiên cứu quân sự, chiến lược của thế giới” và là người "được tất cả nể trọng, kể cả các địch thủ của ông".
"Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những gương mặt chính trị vĩ đại cuối cùng của thế kỷ 20, vị anh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ trưởng Quốc phòng thời chiến tranh. Ông là vị tướng duy nhất có thể tự hào cùng lúc chiến thắng quân đội Pháp và Mỹ”, tác giả Philippe Paquet viết trong bài báo đăng trên tờ La Libre của Bỉ số ra ngày 5/10/2013.
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đội quân du kích mang những đôi dép làm từ bánh xe cao su, dựa vào sức người mà vận chuyển vũ khí đạn dược vào rừng, đánh bại đội quân hiện đại của Pháp, giành thắng lợi tưởng chừng không thể. Trận đánh này đến nay vẫn là một trận đánh tiêu biểu được giảng dạy trong các nhà trường quân đội”, hãng AP khẳng định.
Hãng Thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời các chuyên gia và nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, Tướng Giáp vừa là vị chỉ huy quân sự sắc bén, vừa là người được yêu mến trong cuộc sống hàng ngày.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những chỉ huy quân sự đáng chú ý nhất của thế kỷ 20. Ảnh: Getty. |
Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Từ năm 1925 đến 1926, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào học sinh ở Huế. Năm 1936, Đại tướng hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: “Tiếng nói của chúng ta”, “Tiến lên”, “Tập hợp”, “Thời báo”, “Tin tức”... Tham gia phong trào Đông Dương đại hội, Đại tướng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ.
Tháng 6/1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1941, ông về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.
Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Tháng 4/1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ. Từ tháng 5/1945, ông là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Tháng 6/1945, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam.
Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ và có lẽ trong suốt cuộc đời cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” được xem là quyết định khó khăn nhất - như chính ông từng thừa nhận.
Quyết định đó thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, đồng thời cũng là biểu hiện của sự thấm nhuần tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng”; thể hiện tính nhân văn của một vị tướng “dĩ công vi thượng”, luôn biết đề cao vai trò của tập thể, hết sức tôn trọng ý kiến của tập thể vì lợi ích chung.
Việc thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi cuối cùng cũng chính từ bước ngoặt quan trọng này.
Trải qua hơn 100 ngày ở mặt trận Điện Biên Phủ, cùng toàn quân lập nên chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, mà còn để lại cho cán bộ và chiến sĩ nhiều thế hệ mai sau những bài học sâu sắc về tư duy quân sự, ý chí tiến công và phong cách người làm tướng, trong đó có việc xử lý khéo léo, kiên quyết, chính xác mối quan hệ của người đứng đầu chiến dịch với tập thể lãnh đạo mặt trận để lựa chọn cách đánh hiệu quả nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt, tên tuổi ông gắn liền chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975).
An An (T.H)