Sau Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), cùng với chủ trương đổi mới trong phát triển kinh tế – xã hội, Đảng và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đối ngoại, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ với các nước lớn. Trong bối cảnh đó, Đại tướng Lê Đức Anh đã được tin tưởng giao trọng trách “mở đường” trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Với tài năng và sự sáng tạo của mình, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
Đại tá Khuất Biên Hòa (nguyên Trợ lý giúp việc của Đại tướng Lê Đức Anh giai đoạn 2000 - 2007, đồng thời là người chấp bút cuốn hồi ký của Đại tướng) chia sẻ, Đại tướng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị giao cho việc “mở đường”. Đại tướng suy nghĩ và dự kiến mình sẽ mở "hai luồng thăm dò". Một là qua cộng đồng người Hoa kiều ở khu vực Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) - cộng đồng có truyền thống đoàn kết, có tổ chức chặt chẽ và quan hệ mật thiết với Chính phủ của Trung Hoa lục địa. Hai là qua Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
|
Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (1945-1995), chiều 25/10/1995, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Chủ tịch nước Lê Đức Anh trao tặng phiên bản trống đồng Ngọc Lũ cho Tổng thư ký LHQ Boutros B. Ghali. Ảnh: Cao Phong/TTXVN |
Đầu tháng 3/1987, Đại tướng Lê Đức Anh vào TP Hồ Chí Minh. Theo đề nghị của ông, Bí thư Thành ủy Võ Trần Chí và Trưởng ban Hoa vận của Thành ủy đã tổ chức cuộc gặp giữa ông và một số người đại diện cho bà con Hoa kiều đang sinh sống ở khu vực Chợ Lớn. Ngay sau đó, ra Hà Nội, ông cho mời Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy tới Nhà khách Bộ Quốc phòng ở số 18 phố Cửa Đông để trực tiếp mời cơm và trao đổi.
Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, tại hai cuộc tiếp xúc trên, Đại tướng Lê Đức Anh đều nêu lại sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Hoa nói chung, sự đóng góp trực tiếp của cộng đồng Hoa kiều tại TP Hồ Chí Minh nói riêng, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta. Tình hữu nghị Việt -Trung là truyền thống đẹp, bền vững và lâu dài. Sự xung đột vừa qua chỉ là nhất thời, hai bên cần chấm dứt xung đột và khôi phục tình hữu nghị trở lại tốt đẹp như xưa. Ý kiến của ông đã được bà con Hoa kiều và ngài Đại sứ đồng thuận, tin tưởng và họ đã phản hồi ngay về nước với lãnh đạo cao cấp.
Đến đây, sứ mệnh "mở đường" mà Bộ Chính trị tin cậy giao cho ông Lê Đức Anh xem như đã hoàn tất. Ông báo cáo tình hình với Bộ Chính trị để lãnh đạo Đảng ta có kế hoạch gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc.
Cuối tháng 7/1991, Bộ Chính trị cử ông Lê Đức Anh làm phái viên của Bộ Chính trị sang bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Cùng đi có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hồng Hà. Cuộc hội đàm chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào chiều 31/7/1991. Nhìn chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt, mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thỏa thuận, nhất trí.
Tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5-10, chính thức bình thường hóa quan hệ hai nước và mở ra một trang sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Nhớ lại sự kiện bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Đại tá Khuất Biên Hòa kể lại: Đại tướng Lê Đức Anh đã chọn con đường tiếp cận từ hoạt động khoa học. Sau khi cân nhắc, tính toán, ông đã chọn Thiếu tướng, Bác sỹ Nguyễn Huy Phan (Viện Quân y 108, Giáo sư đầu ngành Y học phẫu thuật chỉnh hình) làm "khâu đột phá", “người mở đầu”. Trước đó, khi đi dự Hội nghị khoa học quốc tế ở Paris, Giáo sư Nguyễn Huy Phan đã trình bày công trình "Phẫu thuật chỉnh hình" của mình, được các nhà khoa học đánh giá rất cao. Tại hội nghị, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã có lời mời Giáo sư Nguyễn Huy Phan sang thăm Hoa Kỳ…
Trước khi anh Phan đi, Chủ tịch nước Lê Đức Anh dặn: “Sang đó, đừng nói gì về chính trị cả, anh cứ làm tốt việc trao đổi về khoa học với các nhà khoa học Hoa Kỳ là đã phục vụ nhân dân, phục vụ chính trị rồi”. “Tôi sẽ thực hiện lời Chủ tịch căn dặn và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Giáo sư Nguyễn Huy Phan xúc động nói.
Về kết quả của chuyến công tác đặc biệt này, Đại tá Khuất Biên Hòa cho biết: Đoàn của anh Phan sang Hoa Kỳ. Khi trao đổi về nghiệp vụ, các nhà khoa học phẫu thuật của Hoa Kỳ hỏi ta về việc họ muốn làm một điều gì đó cho nhân dân Việt Nam, ta mời họ sang làm phẫu thuật nhân đạo, chữa cho trẻ em bị khuyết môi hở hàm ếch. Họ đồng ý và cử đoàn bác sỹ "Phẫu thuật nụ cười" sang ta. Sau đó, Chính phủ quyết định đưa anh Phan lên làm Chủ tịch Hội Việt- Mỹ để làm "cầu nối" liên lạc.
Theo Đại tá Khuất Biên Hòa, sau bước mở đầu thành công bằng con đường khoa học, bước tiếp theo là ta tiến hành việc tạo thuận lợi cho phía Hoa Kỳ trở lại Việt Nam tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh Việt Nam (gọi tắt là POW/MIA). Đây là vấn đề phía Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm nên ngay từ cuối thập kỷ 70 họ đã cử người sang Việt Nam, nhất là từ năm 1987, các cuộc tiếp xúc nhanh hơn, liên tục và dồn dập hơn. Mặc dù lúc đầu phía Hoa Kỳ khăng khăng xem đây là điều kiện tiên quyết để bình thường hóa quan hệ, nhưng trước sau như một, ta vẫn khẳng định đây là vấn đề nhân đạo, thuần túy nhân đạo không gắn với chính trị.
Từ ngày 16-21/11/1992, phía Hoa Kỳ cử tiếp một đoàn do Thượng nghị sỹ John Kerry dẫn đầu sang Việt Nam. Ngày 18/11, với cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi tiếp đoàn, ông Lê Đức Anh khẳng định một lần nữa chính sách nhất quán của Việt Nam coi vấn đề POW/MIA là thuần túy nhân đạo. Việt Nam đã và sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ thực hiện các thỏa thuận giữa hai Chính phủ và mong hai bên tích cực hợp tác giải quyết sớm vấn đề này. Ông nói rằng việc sớm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Trong buổi tiếp, Thượng nghị sỹ John Kerry đã trao cho Chủ tịch nước Lê Đức Anh bức thư của Tổng thống Mỹ George Bush, trong thư đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam thời gian qua, bày tỏ mong muốn đẩy mạnh sự hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới, khẳng định cam kết của Chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Tiến trình bình thường hóa quan hệ hai nước đã diễn ra với những dấu mốc quan trọng: Tháng 4/1991, Hoa Kỳ mở văn phòng tại Hà Nội liên quan đến vấn đề MIA. Tháng 2/1992, thành lập Lực lượng đặc nhiệm tìm kiếm hỗn hợp về MIA. Tháng 7/1993, Tổng thống Bill Clinton mở đường cho các tổ chức tài chính quốc tế bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)) và Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp tín dụng cho Việt Nam. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố chấm dứt lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam.
Ngày 12/7/1995, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và mở văn phòng liên lạc tại Washington và Hà Nội. Tuy nhiên, đến tháng 5/1997, hai nước mới cử Đại sứ đầu tiên của mình đến Thủ đô của nước kia (Washington và Hà Nội) và đến tháng 11 cùng năm, lập Tổng Lãnh sự quán của hai nước tại thành phố San Francisco và TP Hồ Chí Minh.
Như vậy, với việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; bình thường hóa quan hệ Việt - Hoa Kỳ; và tiếp đó là việc gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam đã hoàn thành những mục tiêu lớn trong thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đưa vị thế nước ta lên một tầm cao mới trên trường quốc tế.
Theo Anh Tuấn - Xuân Khu/TTXVN