Cựu quan chức Mỹ: Tổng thống Trump đang “dâng chiến thắng” cho Triều Tiên

Google News

Các chuyên gia phân tích lo ngại Tổng thống Trump đang nói quá sớm về một chiến thắng tại thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore sắp tới, trong khi chưa đạt được bất cứ một thỏa thuận sơ bộ nào với Triều Tiên.

So với các cựu tổng thống Mỹ, ông Donald Trump có cách tiếp cận lãnh đạo đối thủ tương đối khác biệt. Theo Washington Post, trong chiến dịch giải cứu hai nhà báo Mỹ bị bắt làm con tin tại Bình Nhưỡng năm 2009, ông Bill Clinton đã dặn dò kĩ lưỡng các trợ lý "không được mỉm cười" trước buổi gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Il - cha ông Kim Jong Un.
Kể cả trong tấm ảnh chính thức với quan chức Bình Nhưỡng, ông Clinton và các trợ lý vẫn giữ nguyên vẻ nghiêm nghị.
Ông Bill Clinton gặp ông Kim Jong Il tại Bình Nhưỡng năm 2009. Ảnh: KCNA/AP. 
Trái lại, Tổng thống Trump bày tỏ sự nồng nhiệt khi tiếp đón ông Kim Yong Chol, trùm tình báo Triều Tiên từng nằm trong “sổ đen” của Mỹ, tại Nhà Trắng ngày 1/6. Ông Trump hớn hở ra mặt khi được “sứ giả” Triều Tiên trao phong thư quá khổ của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Trước cử chỉ thân mật của Tổng thống Trump dành cho đối thủ, một số cựu quan chức Mỹ từng thương thảo với Triều Tiên cảm thấy ông Trump vội vàng trao cho Bình Nhưỡng “chiến lợi phẩm ngoại giao” trong khi chưa đạt được thỏa thuận hạt nhân.
“Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là phong cách hẹn hò tốc độ”, ông Christopher R. Hill, cựu quan chức ngoại giao từng dẫn đầu phái đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán sáu bên với Triều Tiên thời chính quyền Bush, cho biết. Ông nhớ đã từng cự tuyệt khi được đề nghị trở thành người đưa thư của ông Bush cho Kim Jong Il, dĩ nhiên trong một phong bao với kích cỡ thông thường.
Trong khi đó, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, ông Hill cho rằng Tổng thống Trump đã “dâng hiến toàn bộ” cho Triều Tiên.
Sự thân thiện khác lạ
Phương thức hợp lý nhất để tiếp cận những nước như Triều Tiên vẫn luôn là thách thức với các tổng thống. Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm đã được đẩy lên cao trước thềm thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore. Chưa tổng thống đương nhiệm nào từng tham gia hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên, và chắc chắn những tấm ảnh từ cuộc gặp sẽ được truyền tải khắp thế giới.
Với vị tổng thống bốc đồng và hay thể hiện như ông Trump, nhiều quan chức lo ngại rủi ro trong tương tác với ông Kim Jong Un sẽ xuất hiện không chỉ sau cánh cửa hội nghị. Nhiều nguyên thủ quốc gia từng bối rối trước cú bắt tay kéo dài 19 giây, thái độ cau có, và kiểu tạo dáng giơ ngón tay cái khi chụp hình của ông Trump.
 Cái bắt tay kì lạ kéo dài 19 giây kèm theo những cú kéo và giật của ông Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters.
“Những bức ảnh hai nhà lãnh đạo mỉm cười thân thiện bên cạnh nhau sẽ được truyền bá khắp Triều Tiên nhằm thể hiện sự ‘bằng vai phải lứa’”, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bill Richardson nói. Với kinh nghiệm từng tiếp xúc với một số nhà lãnh đạo như Sadam Hussein và đã có vài chuyến đi tới Bình Nhưỡng, ông Richardson khuyên Tổng thống Trump nên “tránh các hoạt động tuyên truyền như mỉm cười và những cái ôm gần gũi”.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhìn nhận những bức ảnh thân mật như sự chiến thắng, biểu tượng cho việc ông sẵn sàng từ bỏ nghi thức ngoại giao có thể gây cản trở đến quá trình đàm phán hạt nhân.
Trợ lý Nhà Trắng cho biết quyết định đột ngột đồng ý tham gia cuộc thượng đỉnh xuất phát từ sự tự tin của Tổng thống Trump. Ông Trump tin rằng kỹ năng thương thảo điêu luyện của mình sẽ mang lại nhiều hơn sự thất bại của những cuộc đàm phán cấp thấp suốt ba thập kỷ qua.
Tổng thống Trump tỏ ra vô cùng thân mật với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: CNN. 
Trước đó, Tổng thống Trump từng nhiều lần bày tỏ sự thân thiện với lãnh đạo của các chế độ chuyên chế. Ông chiêu đãi Chủ tịch Tập Cận Bình “miếng bánh socola tuyệt vời nhất” trong hội nghị thượng đỉnh xa hoa tại Mar-a-Lago vào năm ngoái. Ông khen ngợi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vì đã “xử lý tốt vấn đề ma túy một cách khó tin”.
Ông còn chúc mừng Tổng thống Vladimir Putin về việc tái đắc cử giữa nghi vấn cuộc bầu cử bị thao túng nặng nề, dù cố vấn an ninh trước đó đã viết ra giấy dòng chữ: KHÔNG ĐƯỢC CHÚC MỪNG.
"Không nói chuyện làm ăn"
Theo Daniel Russel, quan chức chính sách châu Á hàng đầu dưới thời Obama, luận điểm của ông Trump về quan hệ quốc tế cũng giống với chính kiến của ông trong thương lượng bất động sản New York: xây dựng lòng tin, không nói chuyện làm ăn, thiết lập tình bạn thân thiết, cuối cùng là khiến đối phương mềm lòng trước sự duyên dáng của mình.
Cố vấn Nhà Trắng từng nhấn mạnh ông Trump luôn để ngỏ cơ hội làm việc với lãnh đạo đối thủ trong vấn đề xử lý thử thách chung, bất chấp những khác biệt tồn tại giữa họ. Cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và ông Kim Yong Chol thể hiện động thái “có qua có lại” sau khi ông Kim Jong Un tiếp đón Ngoại trưởng Mike Pompeo hai lần tại Bình Nhưỡng.
Tổng thống Trump nở nụ cười tươi rói khi đứng cạnh ông Kim Yong Chol, tấm hình sau đó đã được trợ lý Nhà Trắng nhanh chóng phát tán lên Internet. Ảnh: Nhà Trắng. 
Đây không phải là lần đầu quan chức Triều Tiên đặt chân tới Nhà Trắng. Vào tháng 10/2000, ông Clinton đã tiếp đón ông Jo Myong Rok, quan chức quân đội cấp cao của Triều Tiên, và nhận được bức thư của ông Kim Jong Il. Khác với Tổng thống Trump, ông Clinton đã từ chối lời mời tham dự hội nghi thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng.
Các nhà phê bình gọi cách tiếp cận của ông Trump là không nhất quán và ngờ nghệch. Ông vô trình trao cho đối thủ chiến thắng bằng cách cho phép bản năng của mình phá hoại chiến lược của cả chính quyền.
Trong buổi gặp với ông Kim Yong Chol, ông Trump tuyên bố sẽ ngừng sử dụng thuật ngữ “sức ép tối đa” để chỉ chính sách trừng phạt kinh tế và cô lập ngoại giao của Mỹ dành cho Triều Tiên, dù các cố vấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sức ép.
Thỏa mãn thành tựu cá nhân
Nhà sử gia Robert Dallek cho biết thông thường, tổng thống sẽ cẩn trọng khi gặp gỡ lãnh đạo của chế độ chuyên chế. Cố vấn của cựu tổng thống Dwight Eisenhower cũng từng khuyên ông không nên cười khi chụp ảnh cùng quan chức Xô Viết sau cái chết của Joseph Stalin.
“Họ rất cẩn thận trong việc không muốn tỏ ra quá thân thiện”, ông Dallek nói. Về mặt chính trị trong nước, sẽ rất nguy hiểm nếu ông Trump tỏ ra gần gũi với người từng là đối thủ của mình.
"Có cảm giác Tổng thống Trump hơi thiếu kinh nghiệm và thiếu hiểu biết về những gì mình đang đối mặt. Chắc chắn, ông biết đó là chế độ đó thế nào, nhưng ông dường như bị thúc đẩy bởi mong muốn về những thành tựu cá nhân”, ông Dallek nhận xét.
Năm 2016, cựu tổng thống Barack Obama tới thăm Havana trong quá trình phục hồi mối quan hệ ngoại giao với Cuba sau hơn nửa thế kỷ. Vào cuối buổi họp báo, lãnh đạo Cuba Raúl Castro định giơ cao cánh tay của ông Obama trong chiến thắng, nhưng ông Obama đã thõng tay.
Cuộc họp báo chung "sóng gió" giữa cựu tổng thống Obama và nhà lãnh đạo Cuba ngày 21/3/2016. Ảnh: AP. 
Cố vấn của ông Obama sau đó nói với phóng viên rằng ông phải từ chối “tấm ảnh mang tính biểu tượng” vì giữa hai bên vẫn tồn tại nhiều bất đồng.
Suốt những năm sau đó, ông Trump và các thành viên đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích hành vi thân thiện của ông Obama với các nhà lãnh đạo chuyên chế khiến hình ảnh tổng thống Mỹ trở nên yếu đuối trong mắt bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp hơn 90 phút với Kim Yong Chol, ông Trump cho biết hai bên không đề cập tới vấn đề nhân quyền.
“Tôi không thể tiếp tục hành xác vì thành viên đảng Cộng hòa nữa”, ông Hill nói. Tôi đã cố hết sức, cố gắng cứng rắn nhất có thể, và họ vẫn chỉ trích chúng tôi nhẹ nhàng với Triều Tiên. Vậy giờ này họ đang ở đâu?”
Theo Ngọc Linh/Zing.vn