Nhìn lại quá khứ, cựu Tổng thống Jimmy Carter cuối cùng đã đánh bại Tổng thống đương nhiệm Gerald Ford trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1976.
Theo giới chuyên gia, một phần của thất bại này đến từ câu "lỡ lời" của ông Ford, khi ông cho rằng không có sự ràng buộc giữa Liên Xô và Đông Âu trong một cuộc tranh luận Tổng thống chính thức trên sóng truyền hình. Tại thời điểm lúc bấy giờ, trật tự hai cực Ianta vẫn chi phối cục diện chính trị thế giới, với sự xuất hiện của song cường Xô-Mỹ chia đôi hai nửa châu Âu: Đông Âu và Tây Âu.
Năm 1984, cựu Tổng thống Ronald Reagan (khi ấy đã 73 tuổi) từng đề cập đến tuổi tác của mình - điều vốn bị coi là tiêu cực, tại cuộc tranh luận đầu tiên với ông Walter Mondale. Câu bông đùa về việc đối thủ của ông còn "quá trẻ" trong một cuộc đua quan trọng cần "nhiều kinh nghiệm chính trường" đã giúp ông giành lại niềm tin từ cử tri. Ông Reangan đã giành chiến thắng áp đảo vào cuối năm đó và trở thành Tổng thống lớn tuổi nhất nước Mỹ, cho đến khi bị ông Joe Biden "soán ngôi".
Tuy nhiên, cùng đặt trong trường hợp của người tiền nhiệm, may mắn lại không mỉm cười với ông Biden. Trong cuộc tranh luận Tổng thống gần nhất với ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump hồi cuối tháng 6, ông Joe Biden đã có màn thể hiện kém thuyết phục, làm dấy lên mối lo ngại từ chính nội bộ đảng về khả năng tiếp tục tranh cử của người đứng đầu Nhà Trắng.
Ông Biden tiếp tục "trượt dài" với những phát ngôn nhầm lẫn sau đó tại cuộc họp báo hậu Hội nghị thượng đỉnh NATO, đẩy sự việc đi xa ngoài tầm kiểm soát và biến vấn đề sức khỏe của ông thành tâm bão chỉ trích từ đảng Cộng hòa. Ngày 21/7, Tổng thống Biden đã tuyên bố rời đường đua tái tranh cử, ngay khi cuộc bỏ phiếu tháng 11 đang đến rất gần.
Ai sẽ là người chiến thắng?
Phải thừa nhận rằng, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay có nhiều điểm đặc biệt: Sự trở lại của một cựu Tổng thống với đường lối tranh cử khác thường, sự rút lui của một ứng viên "truyền thống" với hơn 50 năm kinh nghiệm tham gia chính trường và sự xuất hiện của một "luồng gió" mới đa dạng hơn về màu da, giới tính cũng như cách thức tiếp cận cử tri.
Phát súng ám sát chấn động trong một sự kiện vận động ở Pennsylvania hồi tháng từng đưa ông Trump lên trang nhất nhiều mặt báo suốt nhiều tuần đã kịp nhường chỗ cho tiếng cười của bà Harris vang vọng khắp các nền tảng truyền thông, bao gồm Tiktok - nơi ông Trump chưa từng công khai xuất hiện.
Ông Trump cũng có lúc lâm vào thế bí khi những đòn công kích từng phát huy tác dụng với đối thủ cũ Biden dường như đã mất hiệu quả khi được sử dụng lên bà Harris, thậm chí là bị "phản ngược" về phía chính cựu Tổng thống.
Tuy nhiên, điều này cũng chưa đủ để kéo giãn khoảng cách của hai ứng viên trên các bảng thăm dò dư luận. Cuộc thăm dò mới nhất do New York Times/Siena College công bố, ông Trump đang dẫn trước bà Harris 1 điểm phần trăm tỷ lệ ủng hộ, tương đương 48% - 47%.
Trong thời gian đây, ông Trump và bà Harris liên tục bám sát sít sao trên các bảng xếp hạng với tỷ lệ sai số 3 điểm phần trăm - tỷ lệ thường thấy trong mọi cuộc khảo sát. Rất khó nói ứng viên nào đang ở "kèo trên" chỉ thông qua những con số này. Đối với cả hai ứng viên, khả năng chiến thắng đều đang ở trong tầm tay.
Các cuộc tranh luận Tổng thống thường được xem là diễn đàn công khai để cử tri nhìn nhận rõ sự đối lập giữa hai chính sách nghị sự của ứng viên lưỡng đảng. Trước thềm tranh luận, ứng viên đại diện đảng gần như đã có một "tệp" cử tri trung thành (trong mùa bầu cử năm nay là cử tri da màu, cử tri theo đạo Hồi, phụ nữ, giới sinh viên đối với bà Harris và cử tri da trắng lớn tuổi, cử tri theo đường lối bảo thủ đối với ông Trump).
Do vậy, mục đích lớn nhất của cuộc tranh luận Tổng thống vẫn là giành được những lá phiếu của phe trung lập - những lá phiếu mang tính quyết định trong cuộc đua mà chỉ một cách biệt rất nhỏ cũng có thể làm nên chiến thắng.
Nhà nghiên cứu chính trị Aaron Kall thuộc Đại học Michigan (Mỹ) nhận định rằng, sức hút của cuộc tranh luận này tương tự với "những màn so găng trong giới thể thao". Khán giả theo dõi chương trình có thể đưa ra sự lựa chọn của mình và cổ vũ cho một đảng chính trị mà họ thấy hứng thú hơn.
Theo ông Kall, cách thể hiện của ứng viên sẽ quan trọng hơn nội dung mà họ muốn truyền đạt. Trong cuộc tranh luận Tổng thống hồi năm 2000, công chúng không thích tiếng thở dài và những cái nhún vai kỳ quặc của ứng viên Al Gore khi ông trên sóng truyền hình, dù về mặt nội dung, cựu phó Tổng thống này thể hiện tốt hơn. Và cuối năm đó, Mỹ đã có vị Tổng thống thứ 43 của mình - ông George Bush.
Ứng viên đại diện đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng viên đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump sẽ có màn tranh luận chính thức đầu tiên vào lúc 21h ngày 10/9 (theo giờ địa phương). Cuộc tranh luận do ABC News tổ chức, kéo dài 90 phút, sẽ giữ nguyên các quy tắc như cuộc tranh luận vào tháng 6 giữa ông Trump và ông Biden, bao gồm cả việc tắt tiếng micro khi chưa đến lượt ứng viên phát biểu, một quy định mà đội ngũ của bà Harris từng tìm cách thay đổi.
Phó Tổng thống Harris sẽ phải trải qua cuộc "chạm trán" có rủi ro cao khi không có kịch bản viết sẵn như trong nhiều sự kiện mà bà từng tham gia trước đó, trong khi ông Trump có phần ung dung khi bước vào lần tranh luận Tổng thống thứ 7 kể từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị. Vượt qua hai đợt tranh luận vào năm 2016 và 2020, cựu Tổng thống đã chứng tỏ mình là một đối thủ mạnh, có nhiều kinh nghiệm, đã quen thuộc với ánh đèn sân khấu và sẵn sàng "chiến đấu" tới cùng.
Các cố vấn từ đảng Dân chủ đã cảnh báo bà Harris về các biến số sẽ xuất hiện trong cuộc tranh luận với ông Trump, trong đó có việc cựu Tổng thống sẽ có những màn chỉ trích công khai khiến bà Harris khó lòng đáp trả.
Theo Diệp Thảo/VOV.VN