Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 424 triệu ca, trong đó trên 5,9 triệu người không qua khỏi.
|
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Coral Gables, gần Miami, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 21/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 424.751.223 ca, trong đó có 5.905.278 người tử vong.
Biến thể mới đang khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 80.000 ca), trong khi Brazil là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 800 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 348 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 69 triệu ca và trên 82.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 21/2, thế giới có 93 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 70 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Đông Nam Á, theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59 ngày 20/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 121.204 ca mắc mới COVID-19 và 356 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Myanmar, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Bộ Y tế Campuchia thông báo ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron vào đúng thời điểm đánh dấu tròn một năm ngày xảy ra “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20/2” hồi năm ngoái tại nước này, gây làn sóng lây nhiễm cao đỉnh điểm.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, Tiến sĩ Or Vadine cảnh báo rằng số ca lây nhiễm mới hàng ngày đang có chiều hướng tiến đến mức 4 con số nếu như người dân còn chủ quan với các biện pháp đề phòng y tế trong khi số ca lây nhiễm mới tiếp tục tăng và phần lớn đều là biến thể Omicron. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho đến nay được ghi nhận là 126.489 ca, trong đó tổng số ca nhiễm biến thể Omicron là 6.036 người.
Thái Lan ghi nhận 18.953 ca mắc mới, là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 22/8/2021. Tổng số ca mắc COVID-19 hiện là hơn 2,71 triệu ca, trong đó có 22.624 ca tử vong. Thủ đô Bangkok vẫn là nơi ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất với 2.690 ca trong 24 giờ qua.
Tính đến ngày 19/2, nước này tiêm được hơn 121,58 triệu liều vaccine, với khoảng 71,1% của tổng dân số gần 70 triệu người đã được tiêm phòng đầy đủ trong khi 27,4% đã được tiêm mũi tăng cường. Trước tình hình trên, Bộ Nội vụ Thái Lan đã yêu cầu tất cả các tỉnh tăng cường những biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Theo đó, tất cả các tỉnh trưởng nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh, các quan chức các cấp - từ làng, xã đến tỉnh - phải hợp lực theo dõi chặt chẽ tình hình trong tỉnh, đặc biệt là những vùng biên giới với các nước láng giềng.
Các quan chức cần có những phương án dự phòng trong trường hợp dịch bùng phát trong tỉnh. Người đứng đầu Trung tâm Virus học Lâm sàng thuộc Đại học Chulalongkorn, tiến sĩ Yong Poovorawan, dự đoán các ca mắc mới ở Thái Lan có thể đạt đỉnh từ 30.000 đến 50.000 ca mỗi ngày.
Trung Quốc đại lục đã cử các đơn vị thi công đến hỗ trợ đặc khu hành chính Hong Kong xây 2 cơ sở để phục vụ việc cách ly hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh khu hành chính này đang trải qua làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Hiện Hong Kong ghi nhận khoảng 6.000 ca mắc mới mỗi ngày và các bệnh viện đều đã hoạt động hết công suất. Theo chính quyền địa phương, cơ sở cách ty tạm thời với 9.500 giường bổ sung được xây dựng tại vịnh Penny, nơi cũng đang có một cơ sở cách ly và ở Kai Tak, vị trí từng là sân bay cũ của thành phố.
Kể từ khi làn sóng dịch bệnh mới nhất tấn công từ tháng trước đến nay, Hong Kong ghi nhận khoảng 22.000 ca mắc mới, cao hơn nhiều so với mức 12.000 ca ghi nhận trong cả 2 năm trước đó. Nhiều mô hình dự báo cho thấy đặc khu này có thể ghi nhận tới 28.000 ca/ngày trong tháng 3.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 20/2 cho biết số ca COVID-19 mới phát hiện trong 24 giờ qua ở nước này đã vượt 100.000 ca trong ngày thứ 3 liên tiếp do sự lây lan của biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao.
Theo KDCA, Hàn Quốc ghi nhận thêm 104.829 ca mới, trong đó có 104.732 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.962.837 người. Như vậy, số ca mới này tăng 26% so với 1 ngày trước và vẫn hơn mức 100.000 ca cho dù có ít xét nghiệm hơn vào cuối tuần. Tổng số ca tử vong bởi đại dịch này ở Hàn Quốc là 7.405 người, tăng thêm 51 người so với một ngày trước đó. KDCA cho biết số bệnh nhân COVID-19 nặng đã tăng thêm 31 ca lên 439 người. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca nặng ở mức trên 300 ca.
Chính phủ Hàn Quốc dự báo đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm này sẽ rơi vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, với số ca mới có thể lên tới 180.000 ca vào ngày 2/3.
Australia đã ghi nhận hơn 15.000 ca mắc mới và 33 ca tử vong trong ngày 20/2, một ngày trước khi nước này mở cửa biên giới quốc tế đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ.
Đây là lần đầu tiên Australia mở lại biên giới với du khách nước ngoài kể từ khi bắt đầu đóng cửa vào tháng 3/2020 khi dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Trong ngày đầu mở cửa, Australia sẽ đón khoảng 50 chuyến bay quốc tế. Khách quốc tế đến phải trình chứng nhận tiêm phòng đầy đủ hoặc giấy tờ miễn trừ các quy định y tế còn hiệu lực.
Tại Tel Aviv, Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 20/2 ra thông cáo báo chí cho biết, nước này sẽ cho phép du khách nước ngoài nhập cảnh từ ngày 1/3 tới mà không cần xét đến địa điểm xuất phát cũng như việc họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa.
Hiện nay, Israel vẫn áp dụng quy định chỉ cấp phép nhập cảnh cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19. Theo quy định mới, du khách nhập cảnh Israel sẽ chỉ cần thực hiện 2 xét nghiệm kháng nguyên (PCR), bao gồm một xét nghiệm trước khi lên máy bay và một xét nghiệm khi hạ cánh xuống Israel.
Thông cáo dẫn lời Thủ tướng Naftali Bennett nêu rõ: "Chúng ta đang chứng kiến tình hình dịch bệnh giảm rõ rệt trong mấy ngày qua, vì thế đây là thời điểm chúng ta cần mở cửa dần đối với những lĩnh vực mà chúng ta đã tiên phong đóng cửa trước toàn thế giới… Hiện nay, chúng ta đã bắt mạch được dịch bệnh và nếu xuất hiện biến chủng mới chúng ta sẽ phản ứng rất nhanh chóng".
Hồi tháng 3/2020, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới với người nước ngoài. Sau đó, nước này dần dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế phòng dịch, khiến số lượng du khách tăng trở lại một cách chậm chạp và vẫn ở mức thấp hơn so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Tháng 1 vừa qua, Israel đã đón khoảng 46.000 du khách nước ngoài, so với tổng số 7.800 du khách trong cả năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 333.000 du khách viếng thăm nước này riêng trong tháng 1/2020.
|
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: CNN |
Tại Anh, Cung điện Hoàng gia Anh thông báo Nữ hoàng Elizabeth II, 95 tuổi, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Bà hiện có những triệu chứng nhẹ và dự định trong tuần tới sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ Hoàng gia đơn giản tại lâu đài Windsor, nơi bà đang ở. Trước đó, Cung điện Buckingham từng thông báo Nữ hoàng Elizabeth II đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.
Về vaccine phòng bệnh, Indonesia hy vọng rằng loại vaccine ngừa COVID-19 do nước này tự nghiên cứu và phát triển sẽ được Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia (BPOM) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 7 và sẵn sàng ra mắt vào tháng 8 tới.
Giáo sư Fedik Abdul Rantam, người đứng đầu nhóm nghiên cứu ứng cử viên vaccine Merah Putih, cho biết loại vaccine này được thiết kế cho nhiều nhóm khác nhau, trong đó có trẻ em và phụ nữ mang thai. Theo kế hoạch, trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên được tiến hành từ ngày 9/2 vừa qua, vaccine sẽ được đánh giá về tính an toàn với sự tham gia của 90 tình nguyện viên là người trưởng thành.
Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 dự kiến diễn ra lần lượt vào tháng 3 và tháng 4 tới với 405 và 5.000 tình nguyện viên, nhằm kiểm tra khả năng kích hoạt phản ứng miễn dịch chống lại virus. Trong các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật, hiệu quả của vaccine chống lại biến thể Delta đã được chứng minh lên tới 85%.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức