EDPB là cơ quan độc lập có chức năng giám sát việc thực hiện quy định bảo vệ dữ liệu tại Liên minh châu Âu, gồm các cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu quốc gia của các thành viên trong khối.
“Các thành viên EDPB đã thảo luận về hành động thực thi gần đây của cơ quan bảo vệ dữ liệu tại Italy nhằm vào OpenAI và dịch vụ
ChatGPT”, trích tuyên bố của nhà chức năng.
|
Giới chuyên gia cho rằng cần có quy định mới để quản lý lĩnh vực trí tuệ nhân tạo do những tác động tiềm tàng của nó đối với an ninh quốc gia, việc làm cũng như giáo dục. |
Theo đó, EDPB đã quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên trách thúc đẩy hợp tác và trao đổi thông tin về các hành động thực thi có thể được thực hiện bởi các cơ quan bảo vệ dữ liệu quốc gia thành viên.
Đầu tuần này, Tây Ban Nha đã yêu cầu EU đánh giá rủi ro về quyền riêng tư gây ra bởi chatbot "hot" nhất Internet hiện nay.
Trong khi đó, cơ quan chuyên trách tại Italy (Garante) ngày 12/4 thông báo OpenAI có thể nối lại hoạt động ChatGPT tại quốc gia này nếu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nhà chức trách, chậm nhất là đến ngày 30/4 tới đây.
Đại diện OpenAI cho hay, họ “vui mừng khi Garante xem xét lại quyết định và công ty sẵn sàng hợp tác với chính phủ để cung cấp dịch vụ ChatGPT tới các khách hàng sớm nhất có thể”.
Cách đây gần 2 tuần, ứng dụng chatbot ChatGPT đã bị Garante, cơ quan giám sát dữ liệu tại Italy, tạm thời chặn truy cập dữ liệu cá nhân người dùng tại đây và tiến hành điều tra đối với một cáo buộc nghi ngờ vi phạm quy định về quyền riêng tư.
Nhà chức trách đã yêu cầu OpenAI phải thông báo cho người dùng về “phương pháp và cách thức truy cập dữ liệu cần thiết của ChatGPT”, đồng thời xây dựng công cụ cho phép những người có dữ liệu liên quan, kể cả không phải người dùng trực tiếp, được quyền yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân không chính xác hoặc xoá dữ liệu đó nếu không thể chỉnh sửa.
Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên cấm ChatGPT, tuy nhiên những diễn biến gần đây đang thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp từ nhiều nước khác.
Theo Thế Vinh/Vietnamnet