Có gì trong tiền đồn Mỹ dùng để đối phó Triều Tiên?

Google News

Các binh sĩ ở Trại Hamphreys đối mặt hàng giờ với nguy cơ xung đột trên bán đảo Triều Tiên và luôn sẵn sàng tiến hành đổ bộ đất nước Triều Tiên.

Khi nói đến khủng hoảng Triều Tiên, giọng điệu của chính quyền Trump dường như cho thấy chiến tranh đang tiến gần hơn mỗi ngày. Đối với một số người, đây chỉ là cuộc đấu khẩu. Tuy nhiên, những binh sĩ Mỹ tại Trại Hamphreys ở Hàn Quốc thực sự sống trong cuộc xung đột tiềm ẩn hàng ngày, hàng giờ.
Chỉ cách biên giới với Triều Tiên 120 km về phía nam, doanh trại này đang tích cực chuẩn bị và lên kế hoạch cho chiến tranh với một cuộc đổ bộ và chiếm đóng có thể kéo dài nhiều năm.
Phóng viên của ABC News đã được tiếp cận căn cứ này để ghi lại không khí sẵn sàng chiến đấu ở đây. Hamphreys là trung tâm hậu cần, trọng điểm và là một phần quan trọng trong kế hoạch chiến tranh của Mỹ khi đối mặt với kẻ thù được vũ trang hạt nhân.
 Các trực thăng Apache sẽ được điều động đầu tiên khi cuộc tấn công Triều Tiên bắt đầu. Ảnh: ABC News.
Chuẩn bị 'chiến đấu tối nay'
6h sáng, giữa tiết trời lạnh giá mờ sương, hàng nghìn binh sĩ của Trại Hamphreys tiến hành các cuộc diễn tập hàng ngày để chuẩn bị cho chiến tranh. Toàn doanh trại sẵn sàng chiến đấu khi căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong căn hộ rộng rãi ở một khu vực khác của doanh trại, Thượng sĩ Mary Myers đang dựng bọn trẻ dậy để chuẩn bị đi học. Dù từng chiến đấu ở Iraq và Afghanistan nhưng Myers cho biết Triều Tiên có thể sẽ là nhiệm vụ trọng đại nhất của cô. Nếu xung đột xảy ra, các con cô sẽ được di tản trong vài giờ còn cô sẽ được điều động ngay lập tức.
Thượng sĩ Myers đưa bọn trẻ tới một trong 6 trường học tại căn cứ trước khi đi làm. Cô nói rằng được ở cùng gia đình khiến cô cảm thấy mạnh mẽ hơn.
"Nếu gia đình được chăm nom thì chúng tôi sẽ yên tâm hơn khi làm nhiệm vụ. Các chỉ huy hiểu điều này vì nếu gia đình chúng tôi không được quan tâm thì chúng tôi sẽ khó lòng toàn tâm toàn ý hoàn thành sứ mệnh khi xa họ", cô nói.
Nếu chiến tranh nổ ra, Trại Hamphreys sẽ là trung tâm chỉ huy thông tin tình báo và liên lạc. Tất nhiên, phần lớn năng lực tấn công tại căn cứ đang được giữ bí mật.
Tuy vậy, quân đội Mỹ đã cho phép phóng viên ABC News tham quan trực thăng tấn công Apache. Chuẩn úy Rocky Myers phụ trách 23 chiếc trực thăng này. Ông cho biết chúng là "những chiếc máy bay tiên tiến nhất thế giới".
Các binh sĩ trong doanh trại luôn trong tâm thế thường trực chiến đấu. Ảnh: ABC News. 
Những chiếc Apache sẽ thực hiện các đợt tấn công đầu tiên nhắm vào Triều Tiên. Chúng đã được mã hóa hoàn toàn để chuyên tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu. Chuẩn úy Myers nói rằng các khí tài của Triều Tiên không thể sánh kịp vũ khí của họ.
Trại Hamphreys giống như một tổ ong hoạt động liên tục. Các cuộc diễn tập và huấn luyện diễn ra 24 giờ mỗi ngày. "Quân đội Mỹ là lực lượng tinh nhuệ nhất trong lịch sử", Trung tá Peggy Kageleiry, người phát ngôn quân đội, khẳng định.
"Chúng tôi tập luyện liên tục để chuẩn bị cho xung đột. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải luôn sẵn sàng. Tôi tự tin vào khả năng phản ứng của lực lượng trong trường hợp xung đột", bà nói.
Thành phố doanh trại lớn nhất thế giới
Không giống các căn cứ quân sự khác của Mỹ, Trại Hamphreys vận hành như một thành phố với các khu căn hộ, trung tâm mua sắm, nhà thờ và phòng tập. Nơi này cũng có các nhà hàng đồ ăn nhanh quen thuộc với người Mỹ.
Khu vực này tương đối an toàn, ở xa tiền tuyến và nằm ngoài tầm bắn thông thường của pháo binh Triều Tiên. Đây là nơi Mỹ sẽ tập hợp hầu hết lực lượng tại Hàn Quốc. Sau khi được hoàn thành vào năm 2020, Trại Hamphreys sẽ tập trung 46.000 binh sĩ và trở thành căn cứ hải ngoại lớn nhất của Mỹ.
 Trại Hamphreys hoạt động như một thành phố Mỹ. Ảnh: ABC News.
Chính phủ Hàn Quốc sẽ trả 90% trong số 14 tỷ USD chi phí mở rộng. Điều này trái ngược với lời tuyên bố của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử rằng Hàn Quốc không chi trả cho phòng thủ quân sự của Mỹ.
Theo điều khoản của hiệp ước, quân đội Australia sẽ đến Trại Hamphreys để hỗ trợ trong trường hợp chiến tranh. Quân đội Mỹ nói rằng việc loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên đòi hỏi cuộc đổ bộ của ít nhất 100.000 quân.
Mỹ đã hiện diện ở Hàn Quốc trong 70 năm để bảo vệ đồng minh nhưng sứ mệnh này đang được mở rộng.
Phó Tư lệnh Patrick MacKenzie thực hiện nhiệm vụ như một phó thị trưởng phụ trách dịch vụ và cơ sở hạ tầng. Ông cho biết một phần quan trọng trong thành công của Trại Hamphreys là việc đảm bảo người dân được hưởng lợi từ sự phát triển của doanh trại.
"Họ có đường mới, cầu mới và đường sắt trong khu vực. Samsung và LG đang chuyển những nhà máy lớn nhất tới đây. Pyeongtaek, thành phố của Hàn Quốc bao quanh căn cứ, sẽ tăng từ 470.000 đến 1 triệu dân trong thời gian ngắn", ông nói.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không bắt đầu suôn sẻ như vậy.
Bom rơi đạn nổ 24 giờ mỗi ngày
Một thập kỷ trước, khi việc giải phóng mặt bằng được tiến hành để xây dựng căn cứ, khoảng 15.000 người dân địa phương đã biểu tình phản đối, các cuộc đối đầu bạo lực có vũ trang đã nổ ra. Các chủ đất cuối cùng đã được bồi thường một khoản lớn.
Như bất kỳ căn cứ quân sự Mỹ nào khác, Trại Hamphreys đã kéo theo tỷ lệ tội phạm, bạo lực và mại dâm tăng lên. Theo Kang Song Won, người đứng đầu Trung tâm Hòa bình Pyeongtaek, điều này đã được cải thiện nhưng người dân địa phương vẫn bị chia rẽ.
Thái độ phản đối dâng cao nhất ở các ngôi làng gần căn cứ, nơi người dân địa phương phải thường xuyên chịu đựng tiếng bom rơi đạn nổ bên tai 24 giờ mỗi ngày.
"Mọi người bị trầm cảm và mất ngủ. Chúng tôi không nhận được bồi thường từ quân đội Mỹ. Chính phủ Hàn Quốc đã đền bù nhưng vẫn có những trường hợp người dân bị hành hung và quấy rối tình dục", Kang Song Won nói.
Một quán bar bên ngoài khu căn cứ Hamphreys. Ảnh: ABC News. 
Công việc của Thượng sĩ Myers là cố gắng hạn chế các hành vi xấu. Cô phụ trách phúc lợi quân đội và đang chuẩn bị cho kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn sắp tới vào thời điểm phóng viên ABC News ghé thăm. Trong một buổi họp, cô đề nghị các sĩ quan nhắc nhở binh sĩ về hậu quả của việc uống rượu bia quá mức hoặc sử dụng đồ uống có cồn khi chưa đủ tuổi.
Thượng sĩ Myers cho biết việc cắt giảm lượng tiêu thụ rượu là rất quan trọng để kiềm chế các vụ tấn công. Quân đội Mỹ có các lệnh giới nghiêm rất chặt chẽ và binh sĩ bị cấm đến một số quán bar địa phương.
Cô hiểu rằng chỉ một vụ tấn công trong khu vực căn cứ cũng có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ nhiệm vụ.
"Điều đó sẽ phá tan tinh thần của chúng tôi. Khi ở trong quân đội, mọi người làm việc cùng nhau và cảm thấy như một gia đình. Vậy nên khi bị người đồng đội mà mình tin tưởng và coi như anh em tấn công theo bất kỳ cách nào, các binh sĩ cũng sẽ xuống tinh thần và điều này đặc biệt nguy hại cho tổ chức", cô nói.
Dù chiến tranh xảy ra hay hòa bình được duy trì trên Bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện lâu dài tại khu vực. Trại Hamphreys chính là trọng tâm của chiến lược này với mục tiêu tăng cường năng lực quân sự và xây dựng khí tài hùng mạnh bất kể kết quả xảy ra.
"Chúng tôi phải duy trì trạng thái sẵn sàng để nhận lệnh chiến đấu bất cứ lúc nào và luôn luôn là lực lượng mạnh nhất trên Bán đảo Triều Tiên", Chuẩn úy Myers khẳng định.
 Căn cứ quân sự Hamphreys nằm ở thành phố Pyeongtaek, Hàn Quốc, cách biên giới với Triều Tiên 120 km về phía nam. Đồ họa: Washington Post.
Theo Tuyết Mai/Zing.vn