Priya mới 15 tuổi khi bị người họ hàng ở Bangladesh lừa bán sang Ấn Độ làm nô lệ tình dục. Lợi dụng mơ ước làm ca sĩ của cô, người họ hàng đánh thuốc mê Priya và bán cô đi.
Sau nhiều lần nỗ lực thoát khỏi nhà thổ ở bang Tây Bengal, phía đông Ấn Độ, nhưng đều thất bại, Priya cùng các bé gái khác được giải cứu nhờ một cuộc đột kích của cảnh sát.
Priya phải trải qua "địa ngục trần gian" ở nhà thổ trong 6 năm. Các bé gái khác đến từ Bangladesh và Ấn Độ cũng chịu chung cảnh ngộ với Priya.
Priya tưởng chừng có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ ca sĩ của mình khi trở về nhà nhưng đến nay đã 3 năm sau cuộc giải cứu, em vẫn kẹt lại Ấn Độ. Giấc mơ duy nhất của em bây giờ là được nhà về.
Thủ tục pháp lý rườm rà
Sau 9 năm bị cướp đi tuổi niên thiếu, Priya giờ đã là thiếu nữ 24 tuổi và là một trong khoảng 180 người Bangladesh sống sót sau khi bị bán sang Ấn Độ làm nô lệ tình dục. Họ bị mắc kẹt trong chỗ trú ẩn ở Tây Bengal sau nhiều năm chờ đợi để được về nhà. Việc giải quyết thủ tục pháp lý giữa hai quốc gia hết sức quan liêu và mất thời gian, theo Reuters.
"Tôi có thể chờ bao lâu nữa đây?", Priya than thở. Cô sử dụng tên gọi ở nhà thổ để che giấu thân phận vì sợ bị cười chê khi về quê.
"Thậm chí bây giờ tôi cũng không thể đi nếu họ yêu cầu", Priya nói khi ngồi trong căn phòng được trang trí bằng hoa hồng giấy ở nơi trú ẩn.
Nạn nhân bị buôn bán tình dục muốn trở về nhà phải nhận được sự chấp thuận của cảnh sát, nhân viên xã hội, thẩm phán, lực lượng biên giới và quan chức ở cả cấp bang và liên bang, một quá trình gồm 15 khâu, theo phân tích của Thomson Reuters Foundation.
Trong khi chờ đợi hai quốc gia làm việc để được về nhà, nhiều nạn nhân cảm thấy chùn bước.
"Sống ở nơi trú ẩn có thể khiến họ bị sang chấn tâm lý", tổ chức giúp các nạn nhân tái hòa nhập ở Bangladesh, Tariqul Islam of Justice and Care cho biết. "Khi họ trở về sau 2 năm hoặc lâu hơn. Họ khó có thể điều chỉnh bản thân để hòa nhập cộng đồng".
"Hơn nữa, những kẻ buôn người luôn rình rập ngay cả khi họ đã trở về nhà. Họ có thể bị buôn bán thêm lần nữa".
Những kẻ buôn người lọt lưới
Hàng nghìn người Bangladesh bị buôn bán sang Ấn Độ mỗi năm để làm nô lệ tình dục hoặc lao động ép buộc.
Trong 8 năm qua, Bangladesh đã đưa về nước 1.750 người sống sót sau khi bị buôn bán sang Ấn Độ, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái ở Tây Bengal và bang phía tây Maharashtra.
Tuy nhiên, hầu hết họ phải sống ở nơi trú ẩn trong nhiều năm trước khi được hồi hương.
Quá trình xét xử diễn ra chậm và hiếm khi những kẻ buôn người bị kết án. Cứ 4 vụ buôn người sang Ấn Độ thì chỉ có 1 vụ bị kết án. Hơn 4.000 vụ vẫn đang chờ xét xử ở Bangladesh.
Theo các nhà hoạt động chống buôn bán người, Ấn Độ và Bangladesh đã ký kết hợp tác vào năm 2015 để thúc đẩy việc hồi hương cho các nạn nhân. Thế nhưng, họ vẫn bị đối xử tệ bạc.
"Tại thời điểm này, có khi phải mất từ 18-22 tháng để hoàn tất thủ tục hồi hương", bà Ferdousi Akhter, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh, nói. Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động nói rằng nó có thể kéo dài đến 6 năm.
Những đêm không ngủ
Trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh, bà mẹ 2 con Basiron vẫn nhớ như in cuộc gọi thông báo hai cô con gái mất tích của bà được tìm thấy trong nhà thổ ở Ấn Độ một năm sau đó.
"Khi tôi nghe tin, tôi đã hét lên! Tôi cảm thấy như trái tim mình sắp vỡ tung", bà mẹ đơn thân 47 tuổi, làm nghề giúp việc, nói.
Hai đứa con của bà, 16 và 17 tuổi, đã được giải cứu khỏi một nhà thổ ở Tây Bengal vào năm 2017. Ở đó, họ bị giam giữ trong một phòng, đánh đập, ép uống rượu và chơi ma túy đến khi nghiện, cùng lúc họ liên tục bị hãm hiếp.
Hai năm trôi qua, họ vẫn đang đợi để được về nhà.
Các cáo buộc nhắm vào 16 người bị bắt trong vụ buôn bán của hai chị em thậm chí chưa được đệ trình lên tòa án nên không biết bao giờ họ mới được về nhà.
Tại nơi trú ẩn dành cho nạn nhân buôn người ở một ngôi làng ở Tây Bengal, hai chị em đã vẽ về nơi họ ở với túp lều nằm lọt thỏm giữa hàng cây bao quanh và một con sông. Họ chưa bao giờ ngừng nhớ nhà.
Người em tên là Neela. Em cho biết muốn vay tiền và mở một tiệm làm đẹp khi trở về nhà.
"Những bạn gái Ấn Độ được giải cứu cùng chúng em được trở về nhà ngay lập tức", Neela chia sẻ. Cánh tay phải của em đầy vết sẹo, bằng chứng của việc em tự làm hại mình khi ở nhà thổ.
"Chúng em cảm thấy hạnh phúc thay cho họ. Có lẽ chúng em cũng sẽ trở về nhà vào một ngày nào đó".
"Thi thoảng tôi xem tin tức về trẻ em bị bắt cóc hoặc bị giết... Những đêm đó tôi không tài nào chợp mắt", bà Basiron bộc bạch.
"Tôi không nhìn thấy các con suốt 3 năm nay, thậm chí chỉ là 1 bức ảnh. Tôi không biết các con mình hiện giờ trông như thế nào".
Theo quy định của Tây Bengal, thời hạn để một nạn nhân giải cứu được trở về nhà là 21 tuần, nhưng hiếm khi nó được tuân thủ. Các quan chức nhà nước cho biết thời gian chậm trễ do quá trình xét xử ở Ấn Độ kéo dài cộng thêm thời gian để Bangladesh xác nhận đó công dân của họ.
Câu chuyện của Priya kết thúc có hậu hơn chị em Neela.
Vài tuần sau khi nói chuyện với Thomson Reuters Foundation, thiếu nữ 24 tuổi được trở về Bangladesh sau 9 năm ở Ấn Độ. Cô được chuyển đến nơi trú ẩn khác và sẽ về nhà trong vài tuần tới.
Theo Hà Lan/Zing