Dương Dương (24 tuổi) hiện đang làm trong một nhà máy thực phẩm ở Trung Quốc với vai trò trợ lý được hơn 7 tháng.
Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, cô hiếm khi xảy ra xung đột. Vì là người không thích ồn ào nên ngoại trừ lúc trao đổi công việc, cô luôn yên lặng, ít nói chuyện với mọi người xung quanh.
Dương Dương cảm thấy bất bình trước cách hành xử của sếp mình.
Vào một ngày nọ, trên đường trở về nhà, cô nhận được tin nhắn của đồng nghiệp, thông báo rằng sếp tổ chức tiệc cưới, mời mọi người trong công ty tới dự. Thế nhưng lúc này, cô đã lên tàu điện nên đành gửi tin nhắn cho đồng nghiệp, giải thích rằng mình đã về nhà rồi. Hơn nữa, cô cũng nhờ đồng nghiệp gửi giúp mình phong bì 200 tệ (700 nghìn đồng) như phép lịch sự.
Người đồng nghiệp đồng ý, Dương Dương cho rằng mọi chuyện đã kết thúc. Điều không ngờ là tối hôm đó, sếp của cô mất bình tĩnh, nhắn vào trong nhóm chung nói rằng: “Đã làm chung một đội, đến bữa tiệc cưới của tôi cô cũng không nể mặt tham gia sao. Nếu cô không đến dự bữa tiệc này, từ mai đừng tới công ty nữa”.
Dương Dương cảm thấy khó chịu khi đọc những dòng tin nhắn này. Cô cho rằng, sếp mình có lẽ uống nhiều nên không kìm chế được cảm xúc.
Để giải thích rõ ràng, Dương Dương yêu cầu đồng nghiệp nói lại những gì bản thân nhắn nhủ trước đó, khẳng định mình hoàn toàn có thành ý chúc mừng đám cưới của sếp. Thế nhưng, người đồng nghiệp này lại nói: “Trong công ty, lời nói của sếp rất có sức mạnh, cô cẩn thận, không phải chuyện đùa đâu”.
Ngày hôm sau, Dương Dương đành đích thân đến gặp sếp, hy vọng được cho một cơ hội sửa sai. Nào ngờ, sếp cô đáp: “Nếu cô không hòa đồng, không tham gia vào các hoạt động của nhóm, điều này chứng tỏ cô không yêu quý gì công ty này. Tôi không thể giữ cô lại công ty nữa”.
Nghe những lời này, Dương Dương bất lực nói: “Tôi đã nhờ đồng nghiệp gửi hộ 200 tệ mừng cưới sếp rồi. Tôi hoàn toàn không biết tối hôm đó sếp tổ chức tiệc cưới, đến khi tan sở về tới nhà mới nhận được thông báo. Đó có phải hoàn toàn là lỗi của tôi đâu”.
Khi Dương Dương chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng, nhiều người đã để lại bình luận như: “Vị sếp này đang cố tình gây khó khăn cho nhân viên. Ông ta cho rằng, nhân viên không đi đám cưới sếp là không nể mặt. Sếp như vậy tốt nhất không nên đi theo”.
Có người còn viết rằng: “Tôi cũng không thích đi dự tiệc kiểu này. Tôi mới đi làm vài ngày thì đồng nghiệp kết hôn. Tôi thậm chí còn không biết anh ta như thế nào, còn chưa nói được với nhau lời nào. Tại sao tôi phải ép mình đến đó cơ chứ. Nếu dám sa thải tôi, tôi kiện lên ban giám đốc cấp cao nhất”.
Quả thực, trong môi trường công sở, mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau không cần phải cố tỏ ra thân thiết. Nếu xem đồng nghiệp là bạn thì có thể thoải mái nói chuyện, ngược lại nếu chỉ là quan hệ bình thường, xã giao vài ba câu, không cần phải đi đám cưới người ta. Đây là một loại phép tắc để không gây phiền hà cho người khác.
Nhiều cư dân mạng cũng đồng tình rằng, nếu rơi vào trường hợp như Dương Dương, bạn hoàn toàn có thể từ chối và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Phan Hằng/Dân Việt